Ngoài những buổi thử rượu huyền thoại, mà tôi xin không nói sâu vì sợ
làm độc giả ganh tị, việc trở thành thành viên của tổ chức này cho tôi được
theo sát, từ vùng nho này sang vùng nho khác, từ năm này qua năm khác, sự
biến đổi của khí hậu và hậu quả của biến đổi khí hậu tới việc trồng nho. Bởi
rượu vang là “bản đồ địa lý dưới dạng lỏng” như cách nói yêu thích của Tim
Clark, người cháu thế hệ thứ ba trong gia đình người Ai Len, sở hữu vùng
nho tuyệt đẹp là Clonakilla (tôi khuyên bạn nên thử loại vang tuyệt vời
shiraz Viognier!), thuộc vùng Murrumbateman, không xa Canberra
(Australia).
Với những ai muốn tìm hiểu hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra,
đi dạo trong những vườn nho ở khắp nơi trên thế giới sẽ giúp bạn biết thêm
rất nhiều điều.
Nhiệt độ tăng làm tăng tỷ lệ đường trong quả nho. Và cồn được lên
men từ đường, nên trữ lượng đường tăng thì độ cồn cũng tăng. Một số người
yêu rượu vang, vì muốn tạo một cơ sở khoa học cho niền đam mê của mình,
nên đã đưa ra các quy luật. Theo đó, nhiệt độ trung bình của Trái đất cứ tăng
thêm một độ thì sẽ tương ứng với việc điều kiện khí hậu tịnh tiến về phía
Nam hai trăm ki lô mét. Chẳng hạn, trong hai mươi năm tới, thành phố
Colmar sẽ có khí hậu giống khí hậu hiện nay ở thành phố Lyon
. Hay
Bordeaux sẽ có khí hậu giống khí hậu hiện nay của Avignon
… Tương tự,
ta cũng có thể thiết lập mối liên hệ giữa nhiệt độ và độ cồn. Ở vùng
Champagne, người ta nhận thấy độ cồn trong nho khi thu hoạch đã tăng từ
chín lên mười độ.
Kiểu tư duy giản lược và khái quát hóa như vậy tất nhiên là không tính
đến sự khác biệt về điều kiện địa lý giữa các vùng (và sự khác nhau của các
giống nho).
Nhưng có một thông tin mang tính thương mại hoàn toàn chắc chắn:
phần lớn khách hàng không muốn mua loại vang có độ cồn quá cao. Với họ,
“vang không phải là cồn”; và, ít nhất là vào bữa trưa, họ muốn uống “cái gì
đó nhẹ nhàng”.