chờ tôi trả lời với cái nhìn nghiêm khắc. Tôi phải thú nhận mình không biết
gì cả. Tôi còn nhấn mạnh thêm rằng mình rất sợ cái đám, gọi chúng là gì
được nhỉ? cái đám sinh vật khát máu biết bay lượn này. Và lại còn mắc sai
lầm lớn khi nói thêm là vì hói nên tôi sẽ không sợ buổi tối bọn chúng đậu
xuống và túm vào tóc tôi… À! Cô không hưởng ứng, không một chút nào
trước câu đùa của tôi, và nhún vai.
“Biết ngay mà! Ai cũng thế! Toàn nói về vẻ ngoài đẹp xấu. Xong rồi
khi có bệnh dịch thì ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên!”
Tôi cần phải được cho một bài học.
“Được rồi, bọn dơi không đẹp. Thế thì sao nào? Từ khi nào mà xinh
xắn lại đồng nghĩa với hữu ích thế? Chúng sở hữu một kho báu, mà loài
người chúng ta phải thèm muốn: một hệ miễn dịch đặc biệt. Chúng có thể
mang trong mình những loại virus nguy hiểm nhất mà không bị sao cả. Như
virus Hanta chẳng hạn, một loại virus gây rối loại hô hấp và tuần hoàn
nghiêm trọng. Hoặc virus Arena, cũng rất nguy hiểm. Vậy tại sao lại coi
thường loài dơi đến vậy? Tại sao lại đầu tư ít ngân sách đến vậy cho việc
nghiên cứu về loài này?”
Một lần nữa, cơn xấu hổ lại dâng lên khi tôi nghĩ về việc mất ba năm để
hoàn thành luận án tiến sĩ kinh tế: “Cung tiền trong nền kinh tế mở” trong
khi bọn dơi còn đang chờ tôi.
Nhà nữ khoa học nói tiếp: “Ông có thấy bình thường, ông có thấy chấp
nhận được không khi mà vẫn chưa có một danh mục thống kê đáng tin cậy
về tất cả các loài dơi có tại đảo Guyane này, chắc chắn phải có hơn trăm
loài? Và bọn dơi ma cà rồng, tại sao lại chỉ để cho các nhà làm phim và tiểu
thuyết gia quan tâm đến chúng? Ông có biết là có con kích thước lớn đến
một mét không? Hiện tại chúng mới chỉ tấn công gia súc. Nhưng chả có lý
gì mà không có ngày chúng cắn cả con người?”
Nói dồn một hơi xong, nhà virus học dừng lại thở.
“Tôi nói tiếp hay là ông hiểu rồi?”
Tôi lắp bắp, vâng vâng, tôi đã hiểu.