Do cần có quân tăng viện, Langlais phải phó mặc rủi ro. Ông buộc máy bay
Dakota phải thả quân xuống ngay khu trung tâm. Đêm này qua đêm khác,
lính dù rơi xuống lớp rào kẽm gai, chiến hào , sông, lô cốt, tuy nhiên số
thiệt hại cũng không cao hơn buổi thao diễn thông thường mấy tí.
Langlais đã có một thắng lợi đáng kể, muốn đẩy cuộc biểu diễn này tới
cùng, đã thuyết phục ban tham mưu ở Hà Nội tiếp tục thả thêm lực lượng
tăng viện dù là lính dù hay không phải lính dù, để bù đắp những chỗ trống
vắng tại các đơn vị hiện hành ở Điện Biên Phủ.
Từ ngày 5 tháng 4, doanh trại Điện Biên Phủ được đón thêm các thứ lính
pháo binh, kỵ binh, lái xe, Maroc, Angiêri, Bảo an. Họ đều tình nguyện lên
đây và đã nhảy dù chỉ sau một bài giảng nhanh chóng về kỹ thuật.
Và những tin tức nhận được ở hậu phương cũng không làm cho họ nản
lòng. Ngày 7 tháng 4 Langlais nhận được một bức điện “ Tiểu đoàn tôi,
không phải là lính dù, tình nguyện nhảy toàn bộ xuống Điện Biên Phủ. Ký
tên : Cabaribere, chỉ huy tiểu đoàn 2 trung đoàn bộ binh lê dương số 5”.
Ở Điện Biên Phủ, mọi người đều biết tiếng trung đoàn bộ binh này, nhất là
các đơn vị lính lê dương. Từ năm 1930, trung đoàn bộ binh lê dương số 5
đã phục vụ tại Viễn Đông liên tục không nghỉ. Mọi người cũng biết
Cabaribere, một người dân miền Nam nhỏ nhắn, có nghị lực, được nhiều
người khâm phục. Một gương mặt khác thường với những chiến công đã trở
thành huyền thoại. Cách đây mấy tháng ông bị bắt làm tù binh ở Lào. Ông
đã chỉ huy đoàn tù binh giết chết những lính áp giải trên đường từ Lào về
Bắc Kỳ rồi trốn thoát. Sau đó Cabaribere lang thang suốt ba tuần trong rừng
đến khi kiệt sức mới tìm được tới một đồn binh Pháp. Bất cứ sĩ quan nào
trong tình huống như vậy cũng sẵn sàng chấp nhận được hồi hương. Riêng
Cabaribere thì không. Chỉ mười ngày sau khi sức khỏe hồi phục, ông đã trở
lại nắm chức vụ chỉ huy tiểu đoàn cũ.