Đúng 4 giờ sáng, binh đoàn đổ bộ đường không số 2 tiến theo hàng dọc trên
những đỉnh núi nhìn từ xa như những răng cưa khổng lồ, nhấp nhô cách
nhau từ bốn đến năm trăm mét độ cao. Langlais cử tiểu đoàn dù lính Việt số
5 đi đầu, dưới sự chỉ huy của thiếu tá Leclerc. Để mở đường, thiếu tá
Leclerc lại chỉ định đại đội 3 của Gaven, gồm những lính dù kỳ cựu nhất
đơn vị đi trước tiên. Một số binh lính trong đơn vị này đã chiến đấu từ năm
1950 và là những người sống sót trong chiến dịch Biên giới trên đường số 4.
Trên đỉnh núi không có cây, chỉ toàn loại cỏ voi. Lớp cỏ rậm này cao tới 2
mét. Lính dù như bị bịt mắt đi trong sương mù, phải dùng dao găm, dao
quắm mở đường, làm bốc tung lớp bụi màu vàng xâm nhập vào tận phổi,
làm khô miệng, cay mắt. Dù sao cũng đi nhanh hơn trong rừng nguyên thủy,
nhưng cũng chỉ được 800 mét một giờ.
Chiếc máy bay “cào cào châu chấu” lượn trên đầu cánh quân, từng phút một
lại truyền xuống những tiếng kêu hấp hối của đám quân trong doanh trại
Mường Pồn, chỉ còn cách có 10 kilômét về phía Bắc.
10 kilômét ! Có nghĩa là, với tốc độ này, phải 36 tiếng đồng hồ nữa binh
đoàn dù mới tới nơi, nếu hành quân liên tục không nghỉ một phút nào. Trưa
ngày 12 tháng 12, tiểu đoàn dù lê dương được lệnh thay tiều đoàn dù lính
Việt. Đến nửa đêm, Gaven mới dẫn đơn vị dù lê dương vượt được lên đầu
hàng quân.
Lính dù lê dương như đi trong mơ, chậm như sên.
Cách đó 6 kilômét, lính trong đồn Mường Pồn vẫn đang kêu cứu.
Đến tờ mờ sáng ngày 13 tháng 12, sau khi toàn bộ tiểu đoàn dù lê dương đã
vượt được lên đầu hàng quân, cũng là lúc bắt đầu nghe rõ những tiếng súng
từ Mường Pồn vọng tới. Langlais động viên binh lính: