Ông ta tạo cho công chúng tin tưởng vào công việc xây dựng căn cứ của
Pháp nhưng lại tự lắc đầu không tin vào các công sự trong thung lũng.
Điện Biên Phủ trở thành điểm tập trung chú ý của thế giới như một cuộc
kháng chiến của “thế giới tự do” chống lại sự xâm lược của Cộng sản.
Chính phủ Pháp, đang đối mặt với một phong trào chống chiến tranh lan
rộng trong nước lại đang phải uốn nắn tin tức báo chí cho phù hợp và quân
đội đang làm hết sức mình để tiến những bước chắc. Thật may cho các sĩ
quan thông tin quân đội, hầu hết các chuyến thăm của giới nhà báo tới Điện
Biên Phủ đều ngắn và tương đối đơn giản. Nhiều nhà báo phương Tây lần
đầu tiên tới thăm Đông Dương, những người cũ không dễ gì có được ấn
tượng. Một số với kinh nghiệm ở Triều Tiên cũng như Việt Nam cho biết
nguyên tắc của cuộc chiến tranh Triều Tiên là “chiếm lĩnh các vùng đất
cao” đã bị lờ đi ở Điện Biên Phủ. Họ cho rằng các cứ điểm được đặt trên
các đỉnh đồi nên Việt Minh sẽ phải tấn công các vị trí của Pháp từ dưới
chân thung lũng. Lý luận này đã không thuyết phục được các phóng viên
chiến tranh dày dạn kinh nghiệm, những người luôn coi những dãy núi bao
quanh thực sự là mối đe doạ. Với tất cả những điều nói trên, họ nêu ra vấn
đề lô gíc trong việc thực hiện một chiến dịch tấn công chống lại Việt Minh
bằng cách đào vào các vị trí phòng thủ. Để tránh sự kiểm soát của quân đội
Pháp, nhiều phóng viên Anh và Mỹ đã đệ trình những báo cáo ngắn gọn sau
khi rời Đông Dương.
Một nhóm nhà báo, nhà văn, nhiếp ảnh và quay phim mặc đồng phục như
những thành viên của Trung tâm báo chí và thông tin quân đội trong đó có
nhà quay phim André Lebon và nhà nhiếp ảnh Daniel Camus đã nhảy dù
xuống Điện Biên Phủ cùng với một lực lượng tấn công. Pierre
Schoendoerffer, Jean Péraud và Jean Martinoff còn rất trẻ và ưa mạo hiểm,
sau này cùng tham gia với họ. Họ ghi lại cuộc chiến tranh ngay tại các mặt
trận. Những hình ảnh sinh động của Điện Biên Phủ vẫn còn là những thông
tin quân sự hấp dẫn và gây cảm động nhất kể từ Thế chiến II.