dân nhà Thanh và còn đày họ mỗi người ở mỗi nơi.
Vua Chiêu Thống lấy làm tủi nhục. Hoàng tử lên đậu chết, nhà vua càng
buồn bã rầu rĩ hơn nữa nên lâm phải bịnh ngày thêm trầm trọng, rồi mất
(1793).
Khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1802, sai sứ sang Tàu cầu phong, các quan
nhà Lê nhân dịp dâng biểu xin đem hài cốt vua và hoàng hậu về nước. Vua
Gia Khánh nhà Thanh bằng lòng.
Trong lúc đào đất lên để cải táng mả vua Lê thì thấy da thịt đã tiêu cả, chỉ
còn có quả tim không nát, vẫn đỏ như thường. Ai trông thấy cũng động
lòng thương xót. Ông Trần Trọng Kim, soạn giả quyển "Việt Nam sử lược"
chép đến đoạn này có lời phê: "Dẫu chuyện đó thực hư thế nào mặc lòng,
nhưng tưởng đến tình cảnh vua Chiêu Thống lúc bấy giờ, thì ai cũng ái ngại
thay cho ông vua một nước phải đày đọa đến nỗi như thế, có thể làm một
bài bi kịch thảm xót muôn đời. Tuy rằng tại vua tôi nhà Lê vụng tính cho
nên bị người ta đánh lừa, nhưng cũng nên trách vua quan nhà Thanh xử tệ
bạc đãi một ông vua vong quốc, đem thân đến nương nhờ nước mình. Ấy
cũng là một thời dã man về đời áp chế, khiến cho cái oan khổ của người ta
muôn đời về sau không tiêu thoát đi được."
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn Kiều
bán mình cho Mã Giám Sinh trước khi theo về Lâm Truy, nàng ngồi đối
bóng với ngọn đèn khuya, nhớ đến mối tình đầu giữa nàng và Kim Trọng vì
gia biến mà phải dang dở, bẽ bàng nên than thở:
Biết bao duyên nợ thề bồi,
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì.
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Nợ tình chưa trả cho ai,
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.