trên không, đồng thời có đôi khổng tước bay đến rồi các giống chim đua
nhau kêu hót..., một lúc mới tan. Tần Mục Công rất lấy làm bằng lòng.
Lộng Ngọc đứng bên rèm trông thấy vui tương nói: "Người ấy thật đáng
làm chồng ta!"
Tần Mục Công lại hỏi Tiêu Sử:
- Nhà ngươi có biết ống sinh và ống tiêu có từ đời nào không?
Tiêu Sử thưa:
- Ống sinh làm ra từ đời Nữ Oa; ống tiêu làm ra từ đời Phục Hi.
Tần Mục Công bảo kể rõ nguyên ủỵ Tiêu Sử nói:
- Nghề tôi vốn ở ống tiêu, vậy tôi xin kể nguồn gốc ống tiêu. Ngày xưa vua
Phục Hi ghép ống trúc làm ống tiêu, chế theo hình chim phượng. Tiếng thổi
cũng giống tiếng chim phượng. Thứ lớn ghép liền 23 ống, dài 1 thước 4 tấc
gọi là Nhã Tiêu; thứ nhỏ ghép liền 16 ống, dài 2 thước 1 tấc gọi là Tụng
Tiêu. Cả hai thứ gọi chung là Tiêu Quản. Còn một thứ không đáy gọi là
Đổng Tiêu. Về sau vua Huỳnh Đế sai Linh Luân lấy trúc ở Côn Khê chế
làm ống địch, ống này có 7 lỗ, cầm ngang mà thổi, tiếng cũng giống chim
phượng, trông rất giản tiện. Người đời sau thấy ống Tiêu Quản phiền phức
quá nên chỉ dùng ống địch. Thứ dài gọi là tiêu, thứ ngắn gọi là địch. Bởi
vậy, ống tiêu ngày nay không giống ống tiêu ngày xưa.
Tần Mục Công lại hỏi:
- Sao nhà ngươi thổi ống tiêu mà lại có các giống chim bay đến?
Tiêu Sử thưa:
- Ống tiêu dẫu mỗi đời mỗi khác nhưng tiếng thổi bao giờ cũng giống tiếng
chim phượng. Chim phượng là chúa các giống chim, vậy khi nghe tiếng
chim phượng tất nhiên các giống chim đều kéo nhau đến cả. Ngày xưa vua
Thuấn chế ra khúc nhạc tiêu thiều mà chim phượng còn bay đến, huống chi
là các giống chim khác.
Tiêu Sử ứng đối lưu loát. Tần Mục Công rất lấy làm bằng lòng, sai quan
Thái Sử chọn ngày để làm lễ thành hôn.
Tiêu Sử kết hôn cùng Lộng Ngọc, được phong làm Trung Đại Phu. Tuy làm
quan nhưng Tiêu Sử không dự gì đến quyền chính, ngày ngày vui chơi ở
Phượng Lâụ Lại không ăn cơm, chỉ thỉnh thoảng uống mấy chén rượu.