thay phiên nhau hát, vì hát rất hao hơi. Quan họ phải hát giọng đôi, nghĩa là
hai người cùng hát một lúc, một người "dẫn" (chính) và một người "luồn"
(phụ). Mỗi bọn quan họ có một người đứng đầu đại diện, được cả bọn tôn
làm anh Hai hay chị Hai. Những người khác cứ theo thứ tự hát hay, hát kém
mà lấy tên là anh Ba, anh Tư, anh Năm hay chị Ba, chị Tư, chị Năm. Chỉ
cần bốn người hát được, còn bao nhiêu dự vào cho đông cũng không sao.
Khi hai bên hát với nhau, bên hát trước hát giọng nào thì bên hát sau phải
theo giọng ấy để trả lời và phải theo cho đúng; không được bỏ một tí ngân
nga. Như thế mới là đối chọi. Không đối được là tỏ cái kém cỏi của mình.
Trai gái hát Quan họ không phải sống về nghề hát, không thể gọi là những
người hát chuyên nghiệp. Nhưng không phải bất cứ ai ai cũng có thể hát
được Quan họ. Muốn hát Quan họ phải có nhiều điều kiện, phải có giọng
tốt, phải chịu khó luyện tập, phải có trí nhớ và ít nhiều thông minh, nghĩa là
có ít nhiều tài đối đáp, biết bình tĩnh để trả lời người đối diện, không những
trong ý câu hát mà nhứt là trong giọng bài hát.
Tình bạn hữu, tình anh chị em giữa những người cùng chung "gia đình"
Quan họ thật thân thiết. Họ coi cha mẹ của nhau như cha mẹ của mình.
Những dịp hiếu, hỷ, buồn vui, họ đều đến thăm hỏi, biếu tặng. Cha mẹ bạn
có yếu đau, họ tìm đến săn sóc an ủi.