Sự nghiệp tình báo của Phạm Xuân Ẩn vô tình trở nên tiến triển
khi anh họ của ông, Phạm Xuân Giai, bị buộc phải bỏ trốn ra nước
ngoài sau một âm mưu đảo chính bất thành. “Người Pháp chi tiền
để ổng thực hiện một vụ đảo chính chống lại Diệm tháng 12 năm
1954, nhưng vụ đảo chính đã bất thành. Người Mỹ phát hiện ra kế
hoạch này và phá hỏng nó, nên ổng phải lưu vong sang Lào.”
“Khi ổng ở đó, người của CIA sử dụng ổng để làm việc cho người
Mỹ, còn Phòng Nhì sử dụng ổng để làm việc cho người Pháp. Ổng
tham gia việc chuẩn bị một vụ đảo chính khác tại Indonesia. Tất cả
đều vô cùng phức tạp,” Phạm Xuân Ẩn vừa nói vừa huơ huơ hai
bàn tay trước mặt. “Những cha này có quá nhiều bộ não. Còn tôi là
một trong những kẻ đần.”
Từ vai trò một chân loong toong trong cửa hàng của Phạm Xuân
Giai chuyên sản xuất các truyền đơn chiến tranh tâm lý và chiến
dịch tung tin đồn, Phạm Xuân Ẩn leo lên trở thành người chủ chốt
tại TRIM phụ trách việc gửi các sĩ quan quân sự Việt Nam sang Mỹ
huấn luyện. Đây là lúc ông bắt đầu tích lũy các mối giao thiệp và ân
huệ giúp ông trở thành người có quan hệ rộng rãi nhất tại Việt Nam.
“Tôi chọn ra những ứng viên tiềm năng, tập hợp hồ sơ lý lịch của
họ, rồi sắp xếp các thủ tục rà soát an ninh với tình báo Việt Nam và
Đại sứ quán Mỹ. Các sĩ quan Việt Nam được gửi sang những trường
của Mỹ để học về chiến tranh chống du kích, như Nguyễn Văn
Thiệu, người về sau trở thành tổng thống của Nam Việt Nam. Ông
ta được cử đến Fort Leavenworth ở bang Kansas. Tôi hoàn thành hồ
sơ giấy tờ cho ông ta và theo dõi các báo cáo được gửi ngược lại cho
MAAG.”
Mặc dù khi đó chưa hề đặt chân tới nước Mỹ, nhưng Phạm Xuân
Ẩn đã giảng cho những người Việt Nam về những điều cần chú ý
khi họ đến đó. “Người Mỹ bắt tay mỗi khi chào nhau. Họ nhìn vào
mắt anh khi họ nói chuyện và thường xuyên mỉm cười.” Phạm Xuân
Ẩn cũng cho họ biết rằng người Mỹ là những người tuân thủ khắt
khe các quy định, thậm chí cả những quy định mà nếu tuân thủ chặt