nơi Fidel Castro đang lên nắm quyền. Trong thời gian ở thăm bạn
tại trường ngoại ngữ ở Monterey, Phạm Xuân Ẩn cũng biết được
rằng những người cộng sản miền Bắc, sau vài năm kiềm chế, cuối
cùng cũng cho phép lực lượng cách mạng ở miền Nam tái phát động
chiến tranh du kích. “Đó là lý do tại sao tôi quyết định quay về,”
Phạm Xuân Ẩn nói.
Mùa xuân năm 1959 ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Orange
Coast với tấm bằng cao đẳng về báo chí. Ông lái xe ven bờ biển tới
Monterey và từ đó đi tiếp tới Sacramento, rồi ở lại đó hai tháng, làm
việc tại tờ Sacramento Bee trong khóa thực tập được Eleanor
McClatchy, một thành viên của gia đình sáng lập ra tờ báo bố trí cho
ông. Tiền lương của Phạm Xuân Ẩn được chi trả bởi Quỹ Á châu, tổ
chức này cũng sắp xếp để ông bay tới New York vào cuối mùa hè
cho một khóa thực tập khác, lần này tại Liên hợp quốc.
“Bà McClatchy là một phụ nữ rất dễ mến,” Phạm Xuân Ẩn nói.
Về phần mình bà cũng nghĩ Phạm Xuân Ẩn là một người rất dễ
thương. Với những lời giới thiệu từ CIA và Lansdale cùng những
người bạn tốt khác của Phạm Xuân Ẩn trong các cơ quan tình báo
Mỹ, bà rất vui lòng được đón tiếp chàng trai Việt Nam nho nhã này
tới Sacramento. Có đôi chút trục trặc khi ông bị từ chối cho thuê
phòng ở vì tay chủ nhà không chấp nhận “dân da vàng”, nhưng
Phạm Xuân Ẩn không để tâm lắm đến sự phân biệt chủng tộc này.
“Đó là chuyện bình thường tại Mỹ,” ông nói. “Thậm chí cả Henry
Kissinger cũng không được phép ở tại một số khách sạn nào đó vì
ông ta là người Do Thái.”
McClatchy đưa ông tới gặp viên thống đốc, Edmund G. Brown,
người đang chủ trì đón tiếp thủ tướng Liên Xô khi đó đang có một
chuyến thăm tới bang này. “Tôi được phép đi theo sau, để xem
người ta đưa tin như thế nào về một nhân vật chóp bu đến thăm
thống đốc bang California.” Trước đó Phạm Xuân Ẩn đã gặp thống
đốc và đã được chụp một tấm ảnh đứng cạnh ông này tại một hội
nghị các biên tập viên báo chí sinh viên, nhưng gặp ông ấy lần nữa