như Côn Đảo. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, sau
“bốn năm và bốn ngày trong tay kẻ thù”, ông được trả tự do.
“Nhiều năm sau tôi gặp Phạm Xuân Ẩn, và ổng cám ơn tôi,” ông
Thương nói. ‘Chắc chắn là anh đã cứu mạng tôi khi giấu những tài
liệu đó,’ ổng nói.” Ông Thương lục lọi trong chiếc hộp thiếc của
mình rồi lấy ra một bức ảnh khác tại một buổi lễ đón tiếp chính thức
của chính phủ. Trong ảnh, ông đang ngồi trên xe lăn tay ôm một bó
hoa. Đứng cạnh ông, diện bộ vest màu nâu như bơi quanh bộ khung
xương xẩu, là một Phạm Xuân Ẩn đang mỉm cười.
Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi cách ông chuyển tin tức của mình cho
“phía bên kia”, theo cách gọi của ông. “Tôi viết báo cáo tin và những
phân tích của mình bằng mực vô hình,” ông nói. “Cho một ít gạo
vào xoong, rồi đặt lên trên ngọn lửa. Sau một lúc, chất gluten và tinh
bột chảy ra. Rồi lấy một cái bút sạch. Tôi dùng thứ mà người Pháp
gọi là một cái bút lông chim, bút lông, được làm từ lông ngỗng, mà
tôi tỉa tót bằng kéo. Tôi nhúng ngòi bút đã tỉa nhọn vào tinh bột gạo
và dùng nó để viết lên thứ mà chúng tôi gọi là giấy xi măng, bởi vì
nó có màu nâu vàng đúng như loại giấy dùng để bọc ngoài những
bao xi măng. Tôi viết những báo cáo tin của mình trên loại giấy xi
măng này, đây là công việc rất khó khăn, vì anh phải viết thật nhanh
trước khi mực khô hết. Ngay khi mực khô hết anh không còn nhìn
thấy là mình đang viết gì nữa. Anh bị lạc lối ngay giữa bản báo cáo
của mình. Đó là lý do tại sao anh phải viết vào ban đêm, dưới một
ánh đèn sáng. Anh không thể nào làm công việc này vào ban ngày,
khi mọi người đi lại xung quanh. Vì thế tối nào tôi cũng đợi đến lúc
nửa đêm, sau khi mọi người đã đi ngủ, mới bắt đầu viết những báo
cáo tin của mình.”
“Anh phải đặt ngọn đèn rất sát vào tờ giấy khi viết. Mực bằng
tinh bột gạo, khi còn ướt, rất bóng và phản chiếu ánh sáng, nhưng
khi nó đã khô đi thì anh không thể nhìn thấy được gì nữa. Nên anh
sẽ phải viết rất nhanh, đó là lý do tại sao anh nên học thuộc lòng báo
cáo của mình. Anh phải viết liền một mạch, không ngừng lại trong