Tại một trong những cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi, Phạm
Xuân Ẩn cho tôi xem một cuốn sách của Gérard Tongas, một nhà
giáo người Pháp đã đến Hà Nội để giúp cộng sản thành lập một
trường trung học sau khi họ giành chiến thắng trước quân Pháp
năm 1954. Theo Phạm Xuân Ẩn, Tongas, cũng giống như Edward
Lansdale, có một con chó rất khôn có hôm đã cứu ông này thoát chết
khỏi bị đầu độc.
Tôi đọc thấy qua lời ghi trên bìa lót là cuốn sách của Tongas được
tặng cho Phạm Xuân Ẩn bởi người đứng đầu Quỹ Á châu, tổ chức
bình phong của CIA đã tài trợ cho những chuyến đi của ông Ẩn tại
nước Mỹ. Bản thân nhan đề cuốn sách cũng đã mang nặng hàm ý:
J’ai Vécu dans l’Enfer Communiste au Nord Viet Nam et J’ai Choisi la
Liberté (Tôi đã sống trong địa ngục cộng sản ở miền Bắc Việt Nam,
và tôi đã chọn tự do).
“Đó là một cuốn sách rất quan trọng, một tác phẩm chân thực,”
Phạm Xuân Ẩn nói. “Ông phải đọc nó trước khi ông viết bất kỳ điều
gì.”
Buổi chiều, khi những cơn mưa đã ngớt, Phạm Xuân Ẩn loẹt xoẹt
bước qua gian bếp và đi qua cửa sau ra lối dẫn vào nhà, nơi bàn làm
việc và những tập hồ sơ của ông đang được cất dưới một tấm vải
nhựa. Mở ngăn kéo bàn để tìm mấy bức ảnh cũ, ông
hờ hững gạt
qua một bên
những bức ảnh mới chụp mình trong bộ quân phục
cấp tướng đứng cạnh thủ tướng và các nhân vật khác trong Bộ
Chính trị Việt Nam. “Họ muốn biết trông tôi như thế nào,” ông nói.
“Họ trải qua chiến tranh trong rừng và trước đó chưa bao giờ gặp
tôi cả.”
Tôi với tay vào trong ngăn kéo và lấy ra một tấm huân chương
được gắn trên chiếc cuống màu đỏ. “Cái gì đây?” tôi hỏi.
“Mấy thứ này toàn người ta tặng cho tôi đấy mà,” ông nói. “Tôi
cũng không nhớ hết là vì việc gì. Tôi đã hoạt động trong bóng tối.
Tôi chết trong bóng tối,” ông vừa nói vừa đóng ngăn kéo lại.