“Người già thì rụng răng,” ông nói. “Thứ lẽ ra nên rụng thay cho
răng, vì chẳng còn tác dụng gì nữa, là ‘hòn bi’ của họ.”
“Tôi thực muốn lớn lên được giống như Tarzan. Được có một cô
bạn gái và sống tự do trong rừng rậm. Thế mà giờ thì họ bắt tôi sống
trong một ngôi nhà. Tôi phải mang cà vạt vào khi đi họp rồi dự đám
cưới và đám ma. Tarzan có bao giờ phải mang cà vạt đâu cơ chứ.”
“Tôi cứ tưởng ông muốn lớn lên trở thành một tên gangster Việt
Nam.”
“Khi anh là một tay gangster tốt, người ta sẽ kính nể anh. Anh có
thể giúp đỡ họ. Anh chiến đấu vì những người yếu đuối chống lại
những kẻ ức hiếp họ.”
“Điều gì đã xảy ra với kế hoạch của ông?”
“Ông nội tôi nói không. Ba tôi cũng nói không. Đó là lý do tại sao
ổng tống tôi về Truồi, khi ổng nhận ra tôi đang cố trở thành một tay
anh chị Sài Gòn. Ổng hy vọng khi chứng kiến cuộc sống cơ cực của
người nông dân, tôi sẽ biết đường hồi tâm chuyển tánh, nhưng tôi
lại thấy thích. Ông có biết tại sao không? Bởi vì ba tôi đâu có ở đó.
Tôi không còn bị ổng cho ăn đòn với cái roi mây của ổng.”
Phạm Xuân Ẩn được đưa trở về Sài Gòn để thử sức lần cuối cùng
với kỳ thi của mình. Cậu quay lại với trò tắm sông và lông bông
khắp thành phố, nhưng mọi việc đã thay đổi. Chiến tranh đang lù lù
hiện ra tại châu Á. Thế giới đang dịch chuyển quanh cậu.
“Tôi có một người bạn, một cậu bé Việt Nam, đồng thời cũng là
một công dân Pháp. Anh trai cậu ta bị người Pháp bắt đi quân dịch
năm 1938 để phục vụ trong quân đội Pháp. Trước khi lên tàu sang
châu Âu để đánh nhau với người Đức, ảnh bị nhốt trong doanh trại
quân đội gần sở thú. Cứ đến cuối tuần là cậu bạn và tôi lại đi bộ từ
Gia Định đến doanh trại, mang theo những nải chuối to bự. Mẹ ảnh
muốn con trai mình được ăn chuối. Đó có thể là thức ăn cuối cùng
của quê hương mà ảnh được ăn trước khi lên đường đi bỏ mạng ở
châu Âu.”