Phạm Xuân Ẩn rất ít khi kể về mẹ mình, nhưng có câu chuyện về
một cuộc tranh cãi trong gia đình xảy ra khi ông lên mười hay mười
một tuổi gì đó. “Phụ nữ đẹp nhất trên thế giới là phụ nữ Pháp,” cha
ông nói. “Không,” mẹ ông nói. “Gái Mỹ mới gọi là xinh nhất.”
Cha của Phạm Xuân Ẩn rất bất ngờ khi thấy ý kiến của mình bị
phản bác, vì ông là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Là một thành
viên đáng kính trọng của giới viên chức dân sự Pháp, thỉnh thoảng
ông được mời làm giám khảo những cuộc thi sắc đẹp địa phương tại
các hội chợ hàng tỉnh, và theo ông thì những cô gái Pháp - chứ
không phải gái Việt Nam hoặc métisses (gái lai) - mới là những phụ
nữ xinh đẹp nhất.
“Tôi hỏi mẹ, ‘Làm sao má biết gái Mỹ đẹp nhất?’ ‘Thì cứ xem
những bộ phim sản xuất ở Hollywood coi,’ bả nói. ‘Trong điệu bộ,
lời nói, cử chỉ của mình, gái Mỹ đẹp hơn hẳn so với gái Pháp. Nên
khi nào con lớn lên, con nên tới Mỹ và cưới một phụ nữ như vậy.
Con sẽ được hạnh phúc. Đừng có cưới một đứa con gái Pháp.
Chúng kênh kiệu lắm.’”
Để chứng minh quan điểm của mình, cha của Phạm Xuân Ẩn đưa
cậu đi coi Những người khốn khổ, một bộ phim về một gia đình Pháp
bị bần cùng hóa với một cô gái Pháp xinh đẹp là nhân vật chính.
Phạm Xuân Ẩn cảm kích với bài học này từ cha mình, nhưng những
bộ phim cậu thực sự yêu thích lại là phim Mỹ với Charlie Chaplin
cùng Laurel rồi Hardy và, tất nhiên, nhân vật Tarzan ưa thích của
cậu.
Đến năm 1938, gia đình Phạm Xuân Ẩn chuyển từ Sài Gòn về
Cần Thơ, thành phố thuộc địa náo nhiệt đóng vai trò là thủ đô kinh
tế và văn hóa của châu thổ sông Mê Công. Cha của Phạm Xuân Ẩn
thay thế một người Pháp đã bị động viên, ông được chính thức nâng
lên ngạch kỹ sư, và Phạm Xuân Ẩn, mặc dù thi trượt, vẫn được
nhận vào lớp bốn, nơi cuối cùng cậu cũng nắm vững cái môn dictée
(chính tả) quỷ quái của tiếng Pháp. Nằm giữa nơi hợp nhất của hai
dòng sông trong một mạng kênh rạch chằng chịt, Cần Thơ là trung