tâm của khu vực được biết đến với tên gọi Cửu Long, tức Chín con
Rồng. Đây là cách nói ngụ ý chín nhánh của dòng sông Mê
Công chảy ngang qua vùng đồng bằng ngập nước phì nhiêu.
Thành phố kín đặc những khu chợ nổi và bao quanh là những vườn
cây ăn trái trồng sầu riêng, măng cụt và cam. Dừa và những vạt mía
mọc khắp nơi, cả khu vực được che phủ bởi những cánh đồng lúa
xanh biếc tạo thành vựa lúa gạo của cả vùng Đông Nam Á.
Trước
kia Cần Thơ là nơi sinh sống của người Khmer Krom – tức người
Thủy Chân Lạp – những người cai quản vùng này cho đến cuối
thế kỷ mười bảy, khi các Chúa Nguyễn bắt đầu mở rộng ảnh
hưởng của mình về phương Nam. Đến những năm 1860, người
Pháp đã kiểm soát vùng châu thổ và bắt tay vào việc rút nước và
đào kênh rạch biến vùng đầm lầy thành những đồn điền lúa gạo –
một công trình được các thương nhân Ấn Độ bắt đầu từ mười tám
thế kỷ trước đó
.
Phạm Xuân Ẩn là một học sinh vô tư lự được đến đâu hay đến
đó, nhưng Chiến tranh thế giới thứ hai đang đến gần. Vì quá thiếu
binh lính, người Pháp cố gắng thực hiện chế độ quân dịch với
những người đàn ông khỏe mạnh của thuộc địa, thậm chí cả những
người có tuổi như Phạm Xuân Viễn, cha của Ẩn. Năm 1938, ông
Viễn bị gọi lên Sài Gòn để kiểm tra sức khỏe, nhưng bị loại. Năm
1940, người Nhật chiếm Đông Dương. Những người Pháp ở thuộc
địa bị bỏ lại đành tự điều hành theo mô hình chính phủ Vichy của
mình, tạo danh nghĩa Pháp cho sự cai trị thực sự của người Nhật
Bản.
Phạm Xuân Ẩn trải qua những năm học trung học ở Collège de
Cần Thơ, nơi đào tạo các học sinh nam đến hết lớp mười. Ẩn vẫn là
một cậu học sinh xoàng, nhưng lại rất được cảm tình của những
giáo viên khâm phục tính tự lập và tò mò của cậu. Họ nhận thấy ở
cậu một mẫu người Việt Nam mới - nhanh nhẹn, tháo vát, và có
máu phiêu lưu. Thế giới đang đảo lộn vì chiến tranh và không khí
cách mạng sôi sục. Kỷ nguyên thực dân của Pháp đang sụp đổ.