Những người bạn Mỹ của Phạm Xuân Ẩn coi ông như là một
người trong số họ, nhưng nền giáo dục đầu đời của ông lại mang
ảnh hưởng sâu sắc của Pháp. Mỗi khi gặp khó khăn trong việc tìm
một từ bằng tiếng Anh, thì hiện ra trong đầu ông luôn luôn là một
từ tiếng Pháp. Ý thức của ông về chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và
giác ngộ ban đầu về học thuyết của Marx cùng chủ nghĩa cộng sản
đều được vay mượn từ nước Pháp. “Khi là học sinh chúng tôi đã
biết về tinh thần ái quốc và chủ nghĩa dân tộc, mà làm thế nào
chúng tôi lại biết những thứ đó?” Phạm Xuân Ẩn hỏi.
“Bởi vì chúng tôi được người Pháp dạy.”
“Trong năm đầu tiên học trung học chúng tôi chỉ được phép học
mỗi tuần một giờ tiếng Việt. Toàn bộ phần còn lại của chương trình
là bằng tiếng Pháp. Họ dạy chúng tôi về Cách mạng Pháp, về gốc
gác của nước Pháp, sự đoàn kết của nước Pháp, những cuộc chiến
tranh của Pháp, lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và những
cuộc chiến tranh khác của nước Pháp với nước Đức, tôn giáo Pháp,
Công giáo, triều đình và giới quý tộc, luật pháp của Pháp. Giáo dục
công dân được chú trọng đặc biệt,” Phạm Xuân Ẩn nói, ám chỉ đến
ý tưởng về một dân tộc thống nhất, với những quyền lợi được cụ thể
hóa trong một nhà nước có hiến pháp.
Thầy Khánh bổ sung vào vốn kiến thức của Phạm Xuân Ẩn về
văn học Pháp những câu chuyện ngụ ngôn của Jean de La Bruyère
và Jean de La Fontaine. Phạm Xuân Ẩn yêu thích những câu chuyện
này về con người và các con vật, chúng cho thấy sự khác biệt duy
nhất giữa hai giới là thói kiêu ngạo và tham vọng của con người,
điều này có thể coi là hạn chế của chúng ta khi so với sự đơn giản
cao quý của các loài động vật khác. “Cứ lúc nào thấy buồn là tôi lại
đọc truyện ngụ ngôn của La Fontaine, bởi vì ông ấy là một professeur
universel (thầy giáo phổ cập),” Phạm Xuân Ẩn nói. “Một tác giả yêu
thích khác của tôi là Jean de La Bruyère. Ông ấy là một nhà văn rất
lạc quan. Ông dạy anh cách mỉm cười, để sống vui vẻ. Thầy Khánh