tranh chống du kích,” ông nói. “Từ người Anh, họ chủ yếu dựa vào
những ý tưởng của Robert Thompson và kinh nghiệm của ông ta tại
Mã Lai. Từ người Pháp, họ dựa vào những ý tưởng của đại tá Roger
Trinquier, một chuyên gia về chiến tranh chống du kích, đầu tiên là
ở Việt Nam và sau đó là ở Algeria. Ông ta từng là giáo sư tại một
trường trung học ở Pháp, và sau đó trong Chiến tranh thế giới thứ
hai ông ta trở thành quân nhân. Trinquier là người đầu tiên vạch ra
cả một kế hoạch tiến hành chiến tranh tại Đông Dương. Ông ta là
chìa khóa để hiểu được chiến lược của Pháp về chống du kích.
Những quan điểm của ông ta về sau cũng được người Mỹ học hỏi.
Ông nên đọc Trinquier nếu ông muốn hiểu những gì chúng tôi làm
hồi đó.”
Sinh năm 1908 trong vùng núi Alps thuộc Pháp và được đào tạo
làm giáo viên, Trinquier khởi đầu binh nghiệp năm 1934 trên cương
vị một sĩ quan trẻ chuyên tiễu phạt những băng cướp biển Việt Nam
và dân buôn lậu thuốc phiện trong vùng núi hoang dã được gọi là
Thập Vạn Đại Sơn, trải dài ở vùng biên giới Việt Nam và Trung
Quốc. Ông ta bị người Nhật giam cầm trong Chiến tranh thế giới
thứ hai. Sau chiến tranh, Trinquier dành trọn 15 năm tiếp theo trong
binh nghiệp của mình để chống lại những cuộc chiến giành độc lập,
đầu tiên là tại Việt Nam và sau đó là ở Algeria. Theo Trinquier,
những người cách mạng thắng thế không phải bởi vì họ giành thắng
lợi trong các cuộc chiến tranh, mà bởi vì các chính trị gia đã bán
đứng quân đội đúng lúc họ đang giành chiến thắng. Nếu như lời
phàn nàn này nghe quen quen, thì là vì nó sẽ trở thành chủ đề được
nhắc đi nhắc lại đối với nhiều nhân vật của quân đội Mỹ, những
người nắm lấy quan điểm này sau thất bại của chính họ tại Việt
Nam.
Cuối những năm 1940, Trinquier được giao cái mà Bernard Fall
gọi là “nhiệm vụ khó khăn quét sạch những phần tử Việt Minh ra
khỏi vùng đầm lầy và những cánh đồng lúa xung quanh Sài Gòn”.
Về sau Trinquier được phân công phụ trách việc vũ trang cho