mình lão sống trong căn phòng mười mét vuông dưới tầng hầm đầy ắp phế
liệu, không có cửa sổ, quanh năm ngai ngái mùi nấm mốc ẩm ướt. Vậy mà,
lúc nào anh cũng thấy lão Dương cười ha hả, cứ như chưa từng nếm trải
mùi vị buồn khổ trong đời. Bất giác, Lý Dương nghĩ đến mấy tay sếp bự
như Trương Quý Tam. Họ ở nhà lầu, đi xe hơi, mặc quần áo hàng hiệu,
ngày ngày được đón rước đi dự tiệc, uống rượu Mao Đài như nước lọc, ăn
hải sâm đến chán ngấy, song động một tí là cau có bực tức. Từ sáng đến tối,
một năm bốn mùa, luôn âu sầu vì chưa giải quyết xong công việc.
Lý Dương rất muốn hỏi lão Dương, cái lưng của bác thế nào rồi? Vẫn
ổn chứ? Nhưng lại thôi, anh và lão có quan hệ gì chứ, nếu cái lưng của lão
vẫn còn đau, liệu anh có đưa lão vào viện chữa trị không? A! Đúng rồi,
chuyện ấy thì Điền Ca có thể giúp đỡ, cô sẽ lén siêu âm cho lão, như vậy sẽ
bớt được chút tiền viện phí. Thế nhưng Lý Dương vẫn im thin thít, lặng lẽ
nhìn dáng người thấp bé và gầy yếu của lão Dương khuất dần sau tòa nhà.
Sữa đậu nành tươi là cho Ni Ni, bánh mì mới ra lò là của Điền Ca, Lý
Dương xách đồ ăn sáng đến cửa nhà, rồi cẩn thận dùng khăn tay lau sạch
vết dầu mỡ trên miệng. Anh không muốn vợ con phát hiện ra mình vừa ăn
quẩy.
Điền Ca đang mặc quần áo và chải đầu cho con gái. Từ khi ba tuổi
rưỡi, Ni Ni đã bắt đầu thích làm đẹp, mỗi dịp cuối tuần mà Điền Ca không
buộc tóc thắt nơ con bướm cho thì nó nhất định không chịu ra khỏi cửa.
Làm đỏm cho con gái xong, Điền Ca vào bếp bưng ra hai món ăn nhẹ: Rau
trộn quả ô-liu, và một đĩa trứng rán. Cô còn nấu một nồi cháo đầy dinh
dưỡng với gạo tẻ, đỗ đen, kê vàng, gạo nếp, ý dĩ, và khoai lang. Cuối tuần
có thời gian, nên cô thường vào bếp nấu nướng phục vụ hai bố con.
Điền Ca múc cháo cho cả nhà, rồi nói với Lý Dương rằng:
- Dì anh vừa gọi điện lên đấy.