Giữa vợ và chó, Tông Nguyên chỉ được chọn một. Anh nghĩ hai vợ
chồng không còn trẻ nữa, không thể để con chó làm ảnh hưởng đến chuyện
sinh con. Bất đắc dĩ anh phải tặng Cầu Cầu cho một người bạn. Chuyện này
khiến Lệ Sảnh ý thức được rằng: Tình yêu chẳng những là đấu tranh mà
còn phải có mưu mẹo, hôn nhân cũng giống như vậy. Đối với đối thủ mạnh
hơn mình, tốt nhất không nên đối đầu bởi cô không muốn nhìn thấy kết cục
hai bên cùng bị thương.
Xử lý xong Cầu Cầu, tâm sự của Lệ Sảnh ngày càng nặng nề.
Mẹ chồng như cái gai trong mắt cô. Trước đây cô không quen sống
cùng mẹ chồng vì hai người vốn thuộc hai thế hệ khác nhau. Những tưởng
cùng với thời gian, cô sẽ dần dần thích ứng với mẹ chồng, nhưng từ khi xảy
ra chuyện hộp quà, cô không thể nhẫn nhịn được nữa, bất luận như thế nào
cô cũng không hòa hợp được với bà.
Thực lòng mà nói, mẹ chồng sống ở đây cũng có cái tốt. Bà rất chịu
khó, ngày nào cũng lau nhà một lượt từ trong ra ngoài, mỗi khi về cô đều
cảm thấy nhà cửa sạch sẽ hơn cả khách sạn năm sao. Trong bếp chưa bao
giờ thiếu đồ ăn thức uống; những vật dụng hằng ngày như giấy vệ sinh,
khăn giấy, bàn chải cọ xoong nồi, loại nào dùng sắp hết, bà đều kịp thời bổ
sung. Tông Nguyên thay quần áo ra là bà giặt ngay, đặc biệt áo sơ mi mùa
hè anh thay hằng ngày bà đều giặt. Có điều bà không giặt quần áo của Lệ
Sảnh vì cô không muốn bà giặt, sợ bà giặt quần áo không sạch. Đương
nhiên lý do Lệ Sảnh đưa ra để thoái thác thì khác:
- Mẹ làm nhiều việc nhà như vậy đã đủ vất vả rồi, quần áo của con, mẹ
cứ để con tự giặt cho đỡ vất vả.
Mẹ chồng thuộc tuýp người khá biết ý, con dâu không đồng ý thì bà
chẳng cố đụng vào đồ của cô làm gì.