cho ông bố, anh bay ngay trong đêm, tặng một cái bát cổ trị giá mười vạn
tệ, sau khi vợ lãnh đạo vui vẻ nhận cho, anh không còn cảm giác mắc nợ
người ta nữa.
Bên cạnh đó, cũng có khi anh cảm thấy khó chịu, cực kỳ bực bội, như
lần tài trợ tiền học phí du học cho con của một vị lãnh đạo. Vụ làm ăn đó,
công ty Ngụy Thị đã hoàn tất các loại giấy tờ, chỉ thiếu mỗi chữ ký của
lãnh đạo. Xuân Phong đi lại nhà lãnh đạo tổng cộng mười ba lần, đưa hối lộ
hai mươi vạn tệ và nhờ các mối quan hệ tác động, thế mà ông ta vẫn quay
mặt làm lơ. Vừa lúc đó con trai ông ta làm hồ sơ du học, anh đành nghiến
răng chi thêm hai mươi nghìn USD tiền học phí thì mới lấy được chữ ký.
Lãnh đạo bán chữ ký, họ tên của ông ta có ba chữ, tính ra mỗi chữ có giá
hơn mười vạn tệ, mà Xuân Phong còn phải chờ đợi đến chín tháng. Cho
nên anh mất tiền đã đành, lại vô cùng căm tức. Trong nhật ký, anh mặc sức
chửi bới cho hả giận: “Đồ tạp chủng! Khi nào chết, mày sẽ bị đày xuống
mười tám tầng địa ngục…”
Lệ Sảnh đọc nhật ký của một người thành công trong kinh doanh, cái
mà cô đọc được không phải là niềm vui mỗi khi ký được hợp đồng mà phủ
kín từng trang giấy là những khó khăn trong chuyện xã giao. Nếu không có
một khoản “đầu tư tình người” thì gần như không có khả năng ký được hợp
đồng. Tuy nhiên lợi nhuận thu về cũng khác nhau một trời một vực. Đầu tư
lớn, lợi nhuận cao, khiến bạn vui mừng. Có đầu tư lớn, lợi nhuận ít, cũng
coi như là an ủi. Còn có đầu tư rất lớn, nhưng chẳng những không có lời
mà còn lỗ to, thậm chí mất không ít thời gian và tâm huyết, chịu đủ dằn vặt
khổ sở… Trong mấy năm ngắn ngủi, Xuân Phong kiếm được mấy chục
triệu nhân dân tệ; trong đó, riêng khoản đầu tư cho các mối quan hệ xã hội
chiếm một con số khổng lồ. Có điều những khoản đầu tư đó không có một
xu nào dành cho xã hội, người nhận hối lộ cũng không phải là lãnh tụ của
đảng phái nào cả, họ chỉ là những cán bộ to nhỏ khác nhau mà thôi.