Ngày nào họ cũng ăn cơm bụi, cho dù dạ dày có tốt đến đâu thì cũng có lúc
không chịu nổi.
Kể ra những nhân viên trẻ sống nhiều năm trong ký túc xá, quả không
dễ dàng gì; họ đang tuổi ăn tuổi ngủ nên nhu cầu ăn uống khá cao. Ở nhà,
người nào cũng được bố mẹ nâng niu, chỉ vì những cái gọi là tiền đồ, sự
nghiệp, hoặc có thể nói là vì sinh tồn mà họ phải xa quê hương, xa người
thân. Thương họ, Lý Dương lại nghĩ về mình mười năm trước. Hồi đó, anh
được ăn một bữa cơm ngon, có sườn lợn là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Vì
vậy mỗi lần Tây Tây đề nghị đồng nghiệp sang chỗ anh nấu cơm, nếu
không bận việc gì thì anh đều vui vẻ nhận lời. Anh còn mua sẵn gạo, thức
ăn và rượu, rồi đợi Tây Tây đưa ba thanh niên gồm cả trai và gái đến, họ tự
vào bếp trổ tài nấu một bữa ăn thật ngon, mọi người cùng thưởng thức một
bữa tiệc gia đình. Có lần Tây Tây cùng mấy đồng nghiệp nữ còn làm bánh
sủi cảo, cất vào tủ lạnh để lúc nào anh muốn ăn thì chỉ cần luộc lên là xong.
Trịnh Hữu Phúc - tổng giám đốc công ty chi nhánh biết chuyện này
nên lúc uống rượu, ông ta nhắc khéo Lý Dương, có ý tốt muốn góp ý cho
anh những điều cơ bản khi làm quan:
- Cậu đừng thân dân quá. Quần chúng là cái gì chứ? Là loại người
được đằng chân lân đằng đầu, không giữ khoảng cách với họ thì khó bảo vệ
được quyền uy của mình. Người làm lãnh đạo phải tỏ ra bí hiểm, có nguyên
tắc và kiêu ngạo, tốt nhất là để cho họ ngưỡng vọng, tuyệt đối không được
để cho họ cảm thấy mình rất dễ gần, bằng không lãnh đạo giao công việc,
họ không chịu làm…
Có lẽ đó là những lời tâm huyết, là kinh nghiệm quý báu của Trịnh
Hữu Phúc sau nhiều năm làm quan; nhưng Lý Dương chỉ coi những lời này
như gió thổi qua tai, ngoài mặt anh tươi cười, gật gù tán thành, thực tế anh
vẫn làm theo ý mình. Anh nghĩ đơn giản, dẫu làm quan to cỡ nào thì đến
sáu mươi tuổi cũng đều về vườn mà thôi.