2. VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐỊA ĐIỂM
Quảng cáo tích hợp với nội dung trong các chương trình truyền hình giải trí, American
Idol, và Thương vụ lỗ hàng tỷ đô-la của hãng xe Ford.
BẠN CÓ NHỚ quảng cáo mà bạn xem trên chương trình American Idol buổi tối cách
đây hai hôm không? Một quảng cáo quay cảnh một người đàn ông đẩy xe bán hàng
rong đang cắn mấy miếng cá xiên, và một quảng cáo hài hước về điện thoại di động
với hai con vịt quạc quạc ấy…
Ồ, tôi cũng vậy, chả nhớ gì cả. Cũng như vấn đề thực tế là tôi chẳng thể nhớ nổi mình
đã ăn gì trong bữa tối cách đây hai hôm. Thịt bò? Bánh cuộn nướng sốt cà chua? Mỳ
Ý của Fettucine Alfredo? Một đĩa salát Ceasar? Hay có khi tôi quên không ăn tối cũng
nên. Điểm mấu chốt là, tôi không thể nhớ ra – giống như bản thân tôi không hề có ý
niệm gì về người đàn ông thứ ba hạ cánh xuống Mặt trăng, hay người thứ tư trên thế
giới chinh phục đỉnh Everest vậy.
Cho tới khi bước vào tuổi 66, mỗi chúng ta có lẽ đã phải xem khoảng 2 tỷ quảng cáo
trên truyền hình. Tính về mặt thời gian, nó tương ứng với việc bạn ngồi xem 8 giờ
quảng cáo mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần trong vòng 6 năm liền. Vào năm 1965, một
người tiêu dùng điển hình có khả năng nhớ khoảng 34% các quảng cáo họ đã xem.
Năm 1990, con số đó giảm xuống còn 8%. Năm 2007, một khảo sát qua điện thoại của
công ty nghiên cứu thị trường ACNielsen tiến hành với 100 người tiêu dùng cho kết
quả trung bình một người chỉ có thể chỉ ra tên của 2,21 quảng cáo mà họ từng xem, từ
trước cho tới thời điểm phỏng vấn. Ngày nay, nếu tôi hỏi hầu hết mọi người hãy cho
biết những công ty nào tài trợ cho chương trình truyền hình yêu thích của họ – nói
xem, ví dụ phim Mất tích (Lost), hay Nhà (House) hay Văn phòng (The Office) – hầu
hết họ chắc chắn sẽ ngẩn ra. Họ không tài nào nhớ nổi một cái tên. Tôi không trách cứ
họ. Loài cá vàng, như tôi đã từng đọc được, có trí nhớ kéo dài trong khoảng 7 giây –
nghĩa là cứ 7 giây một lần, chúng lại bắt đầu một cuộc sống cá vàng mới của mình.