“Ở nông thôn thì làm sao?” nàng nói. “Tôi cũng từ nông thôn mà ra đây!
Ai mà chẳng phải là người, sao phải phân biệt người thành phố với người
nhà quê?”
Nghe nàng nói vậy, lòng tôi lại mở cờ. Tôi vốn định diễn vở bi kịch, ai
ngờ nàng cũng xuất thân từ nông thôn. Thật không ngờ! Ngời ngời khí chất
thiếu phụ duyên dáng như nàng, lại cũng là dân quê giống tôi. Thế này thì
khoảng cách lại được thu hẹp đáng kể đây.
“Đúng thế, đúng thế!” tôi nói. “Nhưng vẫn có mấy người thành thị vô vị,
coi người khác là đồ nhà quê. Thực ra mọi người đều như nhau, tổ tiên cụ
kỵ đều ở nông thôn cả thôi.”
Có lẽ trước khi mới lên thành phố nàng cũng đã từng chịu đựng không ít
uất ức vì chuyện này, nên chủ đề “nông thôn” ngay lập tức được hưởng
ứng. Hơn nữa có nghiên cứu đã chứng minh, con người ở trong hoàn cảnh
sợ hãi không nơi bấu víu thường nói rất nhiều, có lẽ vì muốn dùng lời nói
giải tỏa áp lực.
Thế là, câu chuyện giữa chúng tôi càng lúc càng cởi mở, khoảng cách
nhờ vậy càng xích gần hơn. Tôi chọn mấy chuyện buồn cười trong công ty
đem kể. Một là bởi đều là chuyện xảy ra ngay trong công ty, nàng nghe sẽ
thấy khá gần gũi; hai là, phụ nữ mà, chuyên thích nói chuyện thị phi; ba là
cũng để chọc cho nàng vui.
Quả nhiên, nàng và tôi nói chuyện mỗi lúc một vui. Khi nói đến chuyện
xấu của người nào nàng biết, nàng còn phá lên cười thích thú. Thời gian
chậm rãi trôi qua, nàng cũng không hỏi bao giờ có điện nữa. Đến khi tôi
bâng quơ hỏi một câu: “Sao vẫn chưa thấy có điện nhỉ?” nàng mới nhớ ra
chúng tôi đang bị kẹt trong thang máy, bèn nói theo: “Đúng rồi! Sao vẫn
chưa có điện?”