nhiên, rõ ràng thì chúng ta bắt đầu nhận biết được nó. Vào lúc đó nó trở thành
[sự khổ thuộc phạm trù] khổ khổ. Như vậy, khi vừa đứng lên chúng ta đã gán tên
gọi “dễ chịu” lên một cảm giác khó chịu quá yếu ớt đến nỗi ta không nhận biết là
khó chịu, và ta tiếp tục gọi nó là “dễ chịu” cho đến khi sự khó chịu ấy trở nên
hiển nhiên rõ ràng.
Khi một cảm giác khổ đau dễ nhận biết trước đây vừa chấm dứt, chúng ta nói
rằng ta đang kinh nghiệm sự dễ chịu, nhưng đó không phải là niềm hạnh phúc
hoàn toàn hay rốt ráo. Ngay khi chúng ta nói là cảm thấy khỏe hơn khi bớt đau,
chính là ta đang gán đặt tên gọi “vui thích” lên một cơ sở mà thực chất là đau
khổ. Và nó có vẻ như một sự vui thích chỉ vì ta đã gán đặt tên gọi “vui thích” lên
nó, nhưng thực chất nó không phải là hạnh phúc đích thực. Chúng ta chỉ có thể
gán tên “hạnh phúc đích thật” lên một cái gì thoát khỏi được toàn bộ ba loại khổ
đau, không phải chỉ là khổ khổ và hoại khổ, mà cả hành khổ nữa.
Loại khổ thứ ba, hành khổ, là loại khổ vi tế nhất và quan trọng nhất cần phải
hiểu rõ. Nó là loại khổ đau cơ bản, vì nếu không có nó thì chúng ta sẽ không
phải trải qua khổ khổ và hoại khổ. Chúng ta cần có một quyết tâm mạnh mẽ để
thoát khỏi loại khổ này.
Vậy hành khổ là gì? Đó chính là cõi luân hồi này, là sự kết hợp của thân và tâm
này, vốn bị khống chế bởi nghiệp lực và những vọng tưởng phiền não, và bị ô
nhiễm bởi những chủng tử của vọng tưởng phiền não. Tất cả chúng sinh trong
Ba cõi - Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới - đều phải trải qua loại khổ thứ ba này.
Tất cả chúng sinh ở địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, cõi người và chư thiên thuộc
Dục giới đều phải trải qua cả ba loại khổ. Chư thiên ở Sắc giới không trải qua
khổ khổ nhưng phải chịu hoại khổ và hành khổ. Chư thiên ở Vô sắc giới chỉ có
tâm thức mà không có thân vật thể, không trải qua hoại khổ cũng như khổ khổ,
nhưng vẫn phải chịu hành khổ, vì họ vẫn bị chi phối bởi nghiệp lực và vọng
tưởng.
Vì những hạt giống vọng tưởng phiền não làm ô nhiễm trong tâm thức ta, nên ta