không nhất thiết là phải ở bên cạnh nhau.
Thế nên, tôi làm tất cả những việc tôi có thể làm, để cho bố tôi và cô ấy
cảm thấy rằng, tôi thật sự muốn hai người họ kết hôn với nhau.
Chỉ có thằng bé ngồi đối diện tôi kia, cứ chớp chớp đôi mắt nhìn tôi,
không biết định nói gì, lại cúi đầu, tiếp tục ăn tôm của mình.
Nó vẫn còn nhỏ, cho nên có thể dễ dàng tiếp nhận và làm quen với một
gia đình mới hơn tôi.
“Cảnh Cảnh, cô nghe bố cháu nói là cuối tuần sau cháu đến trường Chấn
Hoa nhập học phải không?”
Cảnh Cảnh? Tôi bừng tỉnh. Chẳng lẽ cô ấy không biết hàm ý trong tên
của tôi ư? Dì ấy chẳng lẽ không biết hàm ý trong tên của tôi sao? Từ lúc
chào đời cái tên này đã khắc sâu lên người tôi, dẫu trong tay họ là giấy kết
hôn đỏ chói hay là tờ giấy ly hôn màu xanh kia đều không thể thay đổi. Tôi
giống như một cái bia tưởng niệm bị bỏ hoang, hoặc là một bản hợp đồng bị
bỏ giữa chừng, bên A bên B, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, mỗi người
một hướng.
Sau khi về nhà, ngồi trong phòng khách, bố tôi lo lắng mà đợi chờ lời
đánh giá của tôi.
Nhưng thực tế là khi đó trong đầu tôi trăn trở một vấn đề rất nhỏ không
đáng nói.
Đó là sau khi mẹ con họ chuyển đến đây ở, mỗi ngày tôi còn có thể
không đánh răng, không rửa mặt, mặc đồ ngủ, nằm sõng soài trên sô pha mà
hát rống lên bài ca chào ngày mới của tôi không?
Họ có thể không để bụng, nhưng tôi không thể không biết xấu hổ.