gắn bó với con, thế mà không hiểu sao không đi chung một con đường hoặc
tốt thì tốt cả hoặc xấu thì xấu cả. Tôi nghĩ Hạnh bề ngoài trông rắn rỏi thế
mà bên trong lại kém cỏi và yếu đuối hơn Kha. Ví như con tàu gặp nạn,
thay vì lo cứu tàu thì thuyền trưởng lại trốn nhiệm vụ và bọn thủy thủ lại
gây hỗn loạn bỏ mặc tàu trong cơn tai biến. Kha thì trái lại, tỏ ra thực sự có
cái can đảm của một người trung tín. Cậu lại tin tưởng nơi Chúa nên Chúa
đã mang lại an ủi cho cậu. Một người thì sống trong niềm hy vọng, còn một
người thì tuyệt vọng, họ đã tự chọn lấy số phận và xứng đáng để chịu số
phận ấy.
Nhưng, thưa ông Lộc, ông chả cần nghe tôi luận về đạo lý làm gì. Tất cả
những điều này rồi ông cũng có thể nhận định ra như tôi, hay ít nhất ông
nghĩ là ông sẽ nhận định lấy, đằng nào cũng vậy thôi.
Như chúng tôi đã dự đoán, cái chết của Hạnh xẩy ra không lâu, chỉ chưa
đầy sáu tháng sau ngày em cậu qua đời. Chúng tôi ở Họa Mi Trang, đâu có
hay biết gì về bệnh tình của chàng trước khi chết ra sao, mãi hôm tôi lên
giúp việc tang ma, tôi mới biết được đôi chút.
Ông đốc Kiên đến báo tin buồn cho chủ tôi. Ông cưỡi ngựa vào thẳng trong
sân, vào lúc trời còn tờ mờ sáng nên tôi đoán ngay là có tin chẳng lành.
Ông nói:
“Này, vú Diễn, bây giờ đến lượt vú và tôi để tang đây. Vú đoán thử lần này
ai đã bỏ chúng ta ra đi đây?”
Tôi lo lắng:
“Ai vậy?”
Ông Đốc vừa xuống ngựa, buộc dây cương vào một cái móc cạnh cửa, vừa
nói:
“Chà, vú thử đoán xem. Vú cầm sẵn vạt áo lên thì vừa.
Tôi kêu:
“Chắc không phải là cậu Hy chứ?”
“Vú nói sao? Bộ vú phải nhỏ nước mắt khóc cái con người ấy à? Không,
Hy khoẻ như vâm, trông hắn hôm nay tươi như hoa. Tôi vừa gặp hắn xong.
Từ khi mất vợ, hắn lại đâm ra có da có thịt nhanh lắm.”
Tôi sốt ruột nhắc lại: