bỏ đi; nhưng liền đó ông đưa ngay cặp mắt ác cảm lườm cặp Liên, Tôn lúc
ấy vẫn còn đứng bép xép nói chuyện ở ngay trước cửa. Tôn cao hứng nêu
những điểm xấu của Hạ, kể ra đủ thứ chuyện về Hạ; còn cô gái nghe
chuyện bôi lọ Hạ lại lấy thế làm thú, không hề nghĩ như vậy là xấu. Thế là
thay vì thương hại, tôi bắt đầu ghét Tôn hơn và tha thứ một phần nào cho
cha nó đã coi rẻ nó.
Chúng tôi ở Gió Hú cho đến quá trưa vì tôi không thể nào kéo Liên về sớm
hơn được. Cũng may là cậu chủ tôi đã ở lỳ trong phòng riêng nên không
biết là chúng tôi đã đi chơi lâu đến thế.
Trên đường trở về nhà tôi nói cho Liên hiểu về tính tình của những người
Liên vừa gặp, nhưng cô vì cứ đinh ninh tôi đã có thiên kiến với họ, nên
bảo:
“Úi chà, vú Diễn... vú lại thiên vị rồi, vú về hùa với ba, em biết. Chả thế mà
từ mấy năm nay vú đã đánh lừa em nói rằng Tôn ở xa tận đâu đâu! Thật
tình là em giận lắm lắm, nhưng vì em mừng quá nên không lộ mặt giận
được. Nhưng vú không được nói xấu chú em nữa... ông ấy là chú em, vú
nhớ thế! Em sẽ trách ba sao ba lại cãi lộn với chú ấy!”
Rồi Liên cứ một luận điệu ấy mà nói mãi, riết rồi tôi đành phải chịu thua,
không thể nói cho Liên hiểu là cô nàng đã lầm.
Vì không gặp cậu Kha nên chiều hôm đó Liên không đả động gì tới chuyện
đi chơi. Nhưng ngày hôm sau thì... ôi thôi!, khổ cho cái thân tôi, cô nàng kể
tùm lum ra hết!
Tuy nhiên tôi không đến nỗi hoàn toàn ân hận về chuyện ấy. Tôi cho rằng
cái trách nhiệm hướng dẫn và trông chừng Liên lẽ ra phải để cậu Kha làm
mới có hiệu quả hơn tôi. Nhưng cậu Kha lại quá rụt rè không đưa ra được
những lý do hợp lý trong việc ngăn cấm cô liên lạc với những người bên
Đỉnh Gió Hú, trong khi Liên lại đòi hỏi những lý lẽ thật xác đáng mới chịu
từ bỏ không làm theo ý thích riêng.
Sáng hôm đó, sau khi chào hỏi bố xong, cô nói ngay:
“Ba à, ba thử đoán xem hôm qua con đã gặp ai khi đi dạo chơi ngoài cánh
đồng. -, con làm ba giật mình hả? Ba lầm rồi, con đã gặp... Nhưng gượm
đã, rồi ba sẽ nghe con kể con đã khám phá ra làm sao; và vú Diễn, vú ấy về