Kim Định
Định Hướng Văn Học
Chương 3
III. Hữu vi hay vô vi
1. Tử hay kinh
Lão giáo vẫn kể là một trong tam giáo, nhưng đàng khác lại chỉ được gọi là
tử mà không được gọi là kinh (theo thứ tự kinh, sử, tử, truyện). Sự xếp đặt
như thế có phải tại Nho giáo nắm quyền chủ tịch văn hóa, nên dành cho
Lão giáo phần kém hay là có một lý do nội tại chăng? Đấy là một câu hỏi
rất thích thú ở chỗ sẽ giúp chúng ta hiểu thấu đáo hơn nền văn hóa Viễn
Đông.
Để sự tra cứu được khách quan chúng ta hãy khởi đầu nghe những học giả
nổi danh chuyên bàn rộng Lão Trang. Về điểm này thì không ai qua mặt nổi
mấy nhà bàn giải Lão Trang thuộc đời Lục triều (từ thế kỷ II đến IV d.l) tức
là Hà Án và Vương Bật với Lão, Hướng Tú và Quách Tượng đối với
Trang. Đó là những người không nói đến Khổng nhưng chủ trương phóng
khoáng vô vi theo Lão Trang và phục tới độ ba ngày không đọc Đạo đức
kinh thì kể là hôi miệng. Đồng thời họ là những nhà chú giải Lão Trang hay
nhất. Vậy ý kiến các Ông như thế nào?
Trước hết là của Vương Bật.
Trong sách “Thế thuyết tân ngữ” có kể về ông như sau: “thiếu thời Vương
Bật đến thăm Bùi Huy. Huy hỏi: kìa Vô thật là căn bản của muôn vật, tại
sao thánh nhân (Khổng Tử) không thích nói đến, mà Lão Tử nói đến hoài?
Bật nói: Thánh nhân đồng hóa thể với Vô, thấy Vô lại không có thể lấy gì
mà giảng giải được, cho nên nói ra là phải nói đến Hữu. Hiện hữu Lão
Trang chưa thoát ra khỏi được, nên luôn luôn nói đến chỗ mình thiếu” (triết
học đông phương, Nguyễn Đăng Thục q.IV, tr.153). Đại để đó cũng là ý
kiến của Quách-Tú về Trang Tử.
Quách Tượng và Hướng Tú là hai nhà chú giải Trang nổi tiếng nhất thì đại
để viết về Trang như sau: Có thể nói là Trang Chu đã biết đến nền móng
nên không che đậy những câu nói kỳ dị của mình. Những câu đó không ám