Nhưng truyện đưa đến đâu theo những nguyên lý nào thì mấy ai nhìn nhận
ra nổi. Bởi vậy thấy văn hay, cốt truyện hấp dẫn thì cho là sáng tác, trái lại
lối tuyển lục dễ bị đồng hóa với lập lại hay góp nhặt.
Đó là xét theo hình thái nhưng sáng tác chân thực không lệ thuộc vào lối
văn, nó có thể đi theo lối tự thuật hay lối tuyển lục. Nó không chịu nô lệ
cho quy luật nào kể cả quy luật không trích dẫn. Nhất định không chịu
trưng dẫn một ai nhưng luôn luôn đi theo lối tự thuật thì đấy cũng là một
hình thái nô lệ. Sáng tác không lệ thuộc vào bất cứ hình thức trình bày nào.
Sáng tác chân thực nằm trong nguyên lý cao hơn. Nằm trong bình diện
khác trước hầu có thể mở rộng chân trời để bao lấy các dữ kiện cũ trong
một tổng hợp mới rộng hơn, với những phát kiến mới hơn, giàu khả năng
định hướng cho chặng đường mới, gây nên một luồng sinh khí mới. Làm
được như thế mới thật là “thuật nhi tác” và khi có được như vậy, thì dẫu
dùng lối trình bày nào cũng vẫn là sáng tác. Khổng Tử tuy nói chỉ “thuật
nhi bất tác” nhưng hiện nay hầu hết các nhà nghiên cứu đều công nhận là
ông đã “thuật nhi tác”. Vì khi xét nội dung người ta có thể nhận ra được sáu
điểm sau.
Ông đã chọn trong cái cổ học những điều quan trọng nhất theo tiêu chuẩn
nhân bản.
Tinh lọc khỏi những mê tín của thời vu nghiễn, bái vật.
Rồi trình bày cho hợp cảm quan thời ấy.
Thêm văn sức bằng “Lễ” đã được xã hội hóa nghĩa là bỏ tính chất tôn giáo
để áp dụng vào nhân bản.
Đưa đến tận cùng bằng “Nhạc”
Hiện thực bằng thể chế đã được nội dung nhân bản thay cho nội dung bái
vật vu nghiễn.
Đó là đại để mấy nét biểu lộ tính chất sáng tác của ông. Đến lượt chúng ta
cũng phải “thuật nhi tác” và chỉ thành công theo lối đó. Thực ra sáng tác là
cái chi linh động, uyển chuyển không thể quy định được đường lối, nhưng
chúng ta có thể theo mấy nét chính của Khổng vừa nêu ra ở trên để ươc
lượng phần nào “thuật nhi tác”. Trước hết là chọn một số câu quan trọng
trong tứ thư ngũ kinh; càng chọn ít càng hay (chọn nhiều sẽ đi đến việc lắp