dạy chúng ta, quan trọng hơn cả những ngòi nổ dẫn tới chiến tranh chính là
các yếu tố cấu trúc đã đặt nền tảng cho nó: những điều kiện mà trong đó các
sự kiện, nếu không được quản trị, có thể sẽ leo thang thành những điều thảm
khốc không thể tiên đoán nổi và sinh ra những hệ quả không thế tưởng
tượng được.
Bẫy Thucydides
Trong lời nhận xét được trích dẫn nhiều nhất trong nghiên cứu quan hệ
quốc tế, vị sử gia Hy Lạp cổ đại đã giải thích: “Chính sự trỗi dậy của Athens
và nỗi sợ hãi mà nó gây ra ở Sparta đã khiến chiến tranh trở thành điều tất
yếu.”
Thucydides đã viết về cuộc Chiến tranh Peloponnese, một cuộc xung đột
từng bao trùm quê hương ông là thành bang Athens vào thế kỷ V TCN, và
tại thời điểm đó đã ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới Hy Lạp cổ đại. Với tư
cách là một cựu chiến binh, Thucydides đã chứng kiến Athens thách thức
quyền lực đang thống trị Hy Lạp lúc bấy giờ, thành bang Sparta thượng võ.
Ông đã quan sát quá trình bùng nổ xung đột vũ trang giữa hai thành bang và
mô tả chi tiết những tổn thất khủng khiếp mà cuộc chiến gây ra. Tuy không
sống đủ lâu để chứng kiến kết thúc cay đắng của cuộc chiến tranh, khi một
Sparta bị suy yếu cuối cùng cũng đánh bại được Athens, nhưng như thế cũng
đã là đủ với Thucydides.
Trong khi các sử gia khác chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến Chiến
tranh Peloponnese, Thucydides lại cố gắng đi sâu vào cốt lõi của vấn đề. Khi
chuyển sự chú ý vào đặc điểm “sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ hãi mà nó
gây ra ở Sparta”, Thucydides đã nhận ra được lý do chính yếu ở tận gốc rễ
của một số cuộc chiến tranh tàn khốc và gây khó hiểu nhất trong lịch sử. Bỏ
qua yếu tố mục đích, khi một cường quốc đang trỗi dậy đe dọa lật đổ cường
quốc đang thống trị, các sức ép về mặt cấu trúc theo sau sẽ biến đối đầu bạo
lực thành quy tắc, chứ không còn là ngoại lệ nữa. Điều này đã xảy ra giữa
Athens và Sparta vào thế kỷ V TCN, giữa Đức và Anh cách đây 100 năm,