này sụt giảm từ 19,9% xuống 13,6%. Trước khi thống nhất năm 1870, Đức
chỉ sản xuất lượng thép bằng một nửa của Anh; năm 1914, nước này sản
xuất lượng thép gấp đôi Anh. Cho tới thập niên 1880, Bismarck đã giành
được một số thuộc địa ở châu Phi, cũng như một số tiền đồn thương mại ở
Trung Quốc, New Guinea và một vài hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương. Tuy
nhiên, những tài sản này chắc chắn không thể so sánh được với các đế chế
Anh hay Pháp, và Bismarck thì lại không phải là một người nhiệt thành theo
đuổi chủ nghĩa đế quốc. Thế nhưng, Hoàng đế Đức Wilhelm II, người đã bãi
nhiệm Bismarck năm 1890, lại quyết tâm đưa đất nước của ông trở thành
“Cường quốc Thế giới” - địa vị đòi hỏi phải xây dựng được một lực lượng
hải quân đáng gờm.
Vào thập niên 1890, vị đô đốc người Đức Alfred Tirpitz đã vạch ra kế
hoạch để đối đầu với quyền lực biển đứng đầu châu Âu lúc bấy giờ là Anh.
Mặc dù có ý định giành lấy sự tôn trọng của Anh, quá trình phát triển hải
quân của Đức lại khiến các lãnh đạo Anh lo sợ và kích động một cuộc chạy
đua vũ trang dữ dội. Bộ trưởng Bộ Hải quân, bá tước vùng Sealborne đã
nhấn mạnh mối lo ngại này vào năm 1902: “Tôi tin rằng lực lượng hải quân
hùng mạnh mới của Đức đang được phát triển một cách kỹ lưỡng từ quan
điểm về một cuộc chiến tranh chống lại chúng ta… [Đại sứ Anh ở Đức tin
rằng] trong quá trình hoạch định chính sách hải quân chúng ta không được
bỏ qua lòng hận thù của người Đức cũng như kế hoạch hiển nhiên của hải
quân Đức.”
Hạm đội mới của Đức ảnh hưởng không chỉ tới chính sách hải quân của
Anh mà còn toàn bộ quan điểm quốc tế của nước này. Như sử gia Margaret
MacMillan đã nhận xét: “Cuộc chạy đua hải quân mà Đức dự định sử dụng
như công cụ ép buộc Anh phải trở nên thân thiện hơn, đã thuyết phục
London quyết định không những phải vượt trội hơn Đức về mặt xây dựng
hải quân, mà còn từ bỏ trạng thái xa cách châu Âu và xích lại gần Pháp và
Nga hơn.” Sức mạnh đang lên của Đức cũng tạo ra khả năng nước này sẽ
tiêu diệt hết những đối thủ của mình trên lục địa và kiểm soát đường bờ biển