Trong khi đó, Mỹ đã trỗi dậy trở thành một cường quốc lục địa đe dọa ảnh
hưởng của Anh ở Tây Bán Cầu (sẽ được trình bày rõ hơn trong Chương 5 và
Chương 9). Với dân số lớn gấp đôi Anh, nguồn tài nguyên dường như vô tận
và khao khát phát triển mạnh mẽ, Mỹ sẽ khiến cả thế giới ngạc nhiên nếu
quốc gia này không vượt Anh về sức mạnh công nghiệp. Nền kinh tế Mỹ
vượt Anh (ở đây không tính tới toàn bộ đế chế) vào năm 1870 và không bao
giờ ngừng lại. Năm 1913, Anh chỉ chiếm 13% sản lượng chế tạo toàn cầu,
giảm từ 23% năm 1880; ngược lại, sản lượng của Mỹ đã tăng lên 32%.
Được hỗ trợ bởi một lực lượng hải quân đang được hiện đại hóa,
Washington bắt đầu trở nên cương quyết hơn ở Tây Bán cầu. Sau khi giữa
London và Washington suýt nữa xảy ra chiến tranh liên quan tới vấn đề biên
giới Venezuela vào năm 1895 (xem Chương 5), Thủ tướng Anh đã khuyên
Bộ trưởng Bộ Tài chính của mình rằng chiến tranh với Mỹ “trong tương lai
gần đã trở thành khả năng rất dễ xảy ra, và dựa trên thực tế đó chúng ta phải
xem xét các đánh giá từ Bộ Hải quân”. Ông cũng cảnh báo rằng chiến tranh
với Mỹ “thực tế dễ xảy ra hơn là mối quan hệ đồng minh có thể có trong
tương lai giữa Nga và Pháp”.
Một hiện tượng công nghiệp khác với tham vọng hải quân ngày càng lớn
xuất hiện ngay sát nách nước Anh. Kể từ chiến thắng trước Pháp và quá
trình thống nhất dưới ảnh hưởng của Bismarck, Đức đã trở thành cường
quốc lục địa hùng mạnh nhất ở châu Âu với sức mạnh kinh tế đáng kinh
ngạc. Đức khi đó cạnh tranh mạnh mẽ với Anh về xuất khẩu, trở thành một
đối thủ đáng gờm về mặt thương mại. Tuy nhiên, trước năm 1900, Đế chế
Anh chỉ coi Đức là mối đe dọa về kinh tế hơn là về chiến lược. Trên thực tế,
một số chính trị gia cao cấp ở Anh mong muốn xây dựng liên minh với Đức,
và có vài người đã cố gắng hiện thực hóa điều này.
Đến năm 1914, các tính toán của London đã thay đổi hoàn toàn. Nước
Anh khi đó chiến đấu bên cạnh các địch thủ cũ của mình là Nga và Pháp (và
sau đó là Mỹ) để ngăn chặn Đức giành thế bá chủ chiến lược ở châu Âu. Câu
chuyện liên quan đến câu hỏi làm thế nào mà việc đó có thể xảy ra - làm thế
nào mà trong số rất nhiều đối thủ cạnh tranh, Đức lại trở thành địch thủ