Về việc vận tải, từ rạch Trà cú thượng đến rạch Trà cú hạ, qua kinh
Phước, tức lọt vô vàm Xoài hột, đêm nào cũng có đoàn ghe vận tải đồ vật
dụng về ngay hành dinh của Thiên hộ Dương.
Tiếng dân ca, hò hát trong đêm thanh vắng nghe buồn buồn bộc lộ tinh
thần ái quốc.
« Non nước tan tành ngủ mãi sao ?
… Vội vã dân làng thu dẹp cuốc
Trong lòng đã rộn ánh binh đao. »
Trên đoàn ghe khác có tiếng ngâm thơ đáp lại :
« Đã nghe sắc lửa âm thầm dậy,
Tiếng gọi từ xa thúc giục hoài
Há chịu làm thân trâu ngựa mãi,
Chim lồng sao để hót bi ai ? »
Trời khuya, trên giòng kinh nước phèn xanh trong vắt. Tiếng róc rách
lách nước của chiếc ghe mũi có chạm rồng, rẽ về Giồng Tháp.
Tại Đồng Tháp, lúc bấy giờ là rừng đế, tràm sậy, ngoài mấy cái trạm
nghỉ chân của đoàn vận tải, không một bóng nhà của dân chúng, tất cả đều
tập trung trong Giồng Tháp, chung quanh hành dinh Thiên-hộ.
Thường thường, hàng tuần, có ba chuyến đò vận tải về, do ba ngã,
nhưng phần nhiều lương thực, súng ống thuộc đạn từ Doi Đồn tiếp tế nhiều
hơn.
Mỗi lần đoàn vận tải đi thì gia đình binh sĩ của Thiên hộ tháp tùng theo
để mua sắm.
Từ Doi Đồn vô đến Tổng hành dinh, theo đường mòn đến một giồng,
gọi là Giồng Cát, hay là nơi Động-cát, là nơi có trạm gát để đoàn vận tải
ghé nghỉ ngơi. Bỗng một lúc, dân chúng vùng ngoài vô cất vài cái nhà bên
trạm gác để ở. Hai nhà này sống khác thường, có bề ngoài sung túc lắm.