Lúc ngài Thiên-Hộ truyền hịch khắp nơi, kêu gọi sĩ phu ra giúp nước,
thì có ông Đà ông Dật, lúc nhỏ học một trường, hai nhà ở gần nhau, lớn lên
cùng học một thầy và cùng đậu Tú tài như nhau.
Thế mà ông Đà phục vụ quân Pháp còn ông Dật thì theo nghĩa quân
chiến đấu ở Tháp Mười.
Cuộc đời đưa đẩy, ông Dật được ngài Thiên-Hộ phái ra vùng Cao-Lãnh
chiêu dụ sĩ tử và thám dọ tình hình của Pháp do đội Cousy điều khiển.
Ra vùng địch chiếm, ông Dật dùng tài học của mình giao thiệp cùng
những nhà ái quốc, và nhờ người giới thiệu cho ông những sĩ tử ẩn dật
trong vùng việc hoạt-động của ông chưa được kết-quả mỹ mãn thì ông bị
bắt.
Hay tin ông Dật bị bắt, ông Đà đến nói với viên đội Cousy cho ông
khuyến dụ ông Dật qui hàng. Với đường lối mua chuộc hơn là khủng-bố,
viên đội Cousy cho ông Đà trọn quyền hành động để có thể khuyến dụ ông
Dật.
Chỗ giam ông Dật là một nơi đặc biệt, tại nhà ông Thông Tri, có người
phục dịch cơm nước rượu trà. Ông Đà đến nơi giả vờ hối tiếc rằng ông
không hay để cho ông Dật bị những ngày lao lung buồn khổ.
Ông Dật mỉm cười đáp :
– Đã là chiến sĩ thì sự lao lung gian khổ, đó là thường, là phần thưởng
danh dự, đâu phải đáng buồn.
Vì chưa hay ông Đà theo Pháp nên ông Dật hỏi ông Đà ở đây làm gì,
ông Đà ngâm bài thi vịnh cuộc đời mình :
Lỡ làng chưa trọn phận làm trai,
Tạm sống cho qua đoạn tháng ngày.
Trái mắt cũng thôi đành ngậm miệng
Đau lòng chịu vậy đã nghiêng tai