Nếu mỗi năm bạn chi 1 triệu đô-la vào quảng cáo, thì tức là bạn đang đầu
tư vào mỗi người tiêu dùng một khối lượng quảng cáo trị giá chưa đầy nửa
xu, chia đều cho 365 ngày. Cùng lúc đó, họ còn phải tiếp nhận khối lượng
quảng cáo trị giá 200 đô-la từ các doanh nghiệp khác.
Trong xã hội quá tải truyền thông của chúng ta, nói về tác động của
quảng cáo là một cách thổi phồng quá mức hiệu quả tiềm năng của các
thông điệp quảng cáo. Đó là một quan điểm tự biên tự diễn không có mối
liên hệ nào với thực tế thị trường cả.
Trong khu rừng truyền thông đó, hy vọng “ghi bàn” duy nhất là phải kén
chọn, phải tập trung vào các mục tiêu hẹp, phải thực hành chiến lược phân
khúc thị trường. Nói ngắn gọn là “định vị.”
Tâm trí chúng ta, trên cương vị là phương tiện phòng thủ trước khối
lượng truyền thông ngày nay, thực hiện việc sàng lọc và từ chối phần lớn
những thông tin mà nó được mời chào. Nhìn chung, nó chỉ tiếp nhận những
gì khớp với kiến thức hoặc kinh nghiệm sẵn có của bản thân.
Hàng triệu đô-la đã bị tiêu phí trong nỗ lực thay đổi tâm trí con người
bằng quảng cáo. Đầu óc con người một khi đã quyết định điều gì thì gần
như không thể thay đổi được nữa, nhất là với một lực tác động yếu ớt như
quảng cáo. “Đừng hòng dùng thông tin để làm tôi rối trí. Ý tôi đã quyết
rồi.” - đó là thói quen sống của phần lớn mọi người hiện nay.
Người ta có thể chịu ngồi yên nghe những điều họ chưa biết. (Cho nên
“tin tức mới” cũng là một cách quảng cáo hiệu quả.) Nhưng không ai chịu
để người khác nói rằng mình sai cả. Thế nên, quảng cáo mà tìm cách thay
đổi suy nghĩ của con người thì chỉ dẫn đến thảm họa mà thôi.
Bộ não được tối giản
Trong xã hội quá tải truyền thông, công cụ tự vệ duy nhất mà con người
có được là một bộ não được tối giản hóa.
Chỉ khi nào loài người chối bỏ quy luật tự nhiên rằng một ngày chỉ có 24
giờ, thì lúc đó họ mới tìm cách nhồi thêm thông tin vào đầu.