Đầu óc của một người bình thường là một miếng bọt biển đã sũng nước,
chỉ có thể hút thêm thông tin khi đẩy bớt ra ngoài những thông tin đã có
sẵn. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục rót thêm thông tin vào miếng bọt biển đã
no nước, và rồi thất vọng khi thông điệp của chúng ta không thấm được
vào.
Quảng cáo dĩ nhiên mới chỉ là phần nổi của tảng băng truyền thông.
Chúng ta còn giao tiếp với nhau theo nhiều kiểu phức tạp hơn. Và khối
lượng giao tiếp còn tăng theo cấp số nhân.
Các phương tiện truyền thông tuy không phải là thông điệp, nhưng
chúng lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến thông điệp. Phương tiện truyền thông
không đóng vai trò là một hệ thống truyền tin mà hoạt động giống một bộ
lọc hơn. Chỉ có một phần rất nhỏ của lượng thông tin ban đầu đọng lại
trong tâm trí người nhận.
Hơn nữa, bản chất của xã hội quá tải truyền thông cũng tác động tới
những gì mà chúng ta tiếp nhận. Xã hội này của chúng ta phổ biến những
ngôn từ hữu danh vô thực, nghe thì kêu nhưng không có ý nghĩa. Chưa kể
là chúng có ảnh hưởng rất lớn.
Từ góc độ kỹ thuật, chúng ta có thể tăng khối lượng truyền thông lên ít
nhất là mười lần so với hiện nay. Người ta đã nói đến chuyện phát sóng
truyền hình trực tiếp từ vệ tinh, và mỗi gia đình có thể có tới 50 kênh để lựa
chọn.
Và còn hơn thế nữa. Texas Instruments vừa ra mắt bộ nhớ “bọt từ”, một
con chip có thể lưu được tới 92.000 bit dữ liệu. Nghĩa là nhiều gấp sáu lần
so với bộ nhớ bán dẫn lớn nhất hiện nay trên thị trường.
Tuyệt quá. Nhưng ai sẽ chế ra “bọt từ” dành cho não người đây? Ai sẽ
giúp khách hàng tiềm năng đối phó với dòng thông tin đang ra sức công
phá đầu óc họ tới nỗi họ chỉ còn biết khóa van tiếp nhận chặt hơn để giảm
thiểu lượng thông tin đang ồ ạt bên ngoài? Bản thân truyền thông hiện giờ
đã trở thành vấn đề của chính nó.