Vào thời điểm năm 1969, luận điểm này đã khiến nhiều người sửng sốt.
Chúng tôi là ai mà dám khẳng định một công ty lớn mạnh, có hàng tỷ đô-la
như RCA lại không thể thực hiện khát vọng của họ trong ngành máy tính?
Và thế là sang năm 1970, RCA đã dốc toàn bộ sức lực. Câu chuyện phi
thường này xuất hiện trên nhiều trang báo kinh doanh:
“RCA tổng tấn công đối thủ số một” là dòng tít của một bài trên tờ
Business Week số ra ngày 19 tháng 9 năm 1970.
“RCA đối đầu trực diện với IBM” là một dòng tít khác trên tờ Fortune số
ra vào tháng 10 năm 1970.
“Tham vọng của RCA là tấn công trực tiếp IBM” là một dòng tít do tờ
Advertising Age đăng tải vào ngày 16 tháng 10 năm 1970.
Và để đảm bảo không có ai hiểu sai ý định của công ty, Robert W.
Sarnoff, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của RCA, dự đoán RCA sẽ nắm
chắc “vị trí số hai” trong ngành công nghiệp máy tính vào cuối năm 1970.
Khi nhấn mạnh rằng công ty của ông đã đầu tư “để phát triển một vị thế
vững chãi trong ngành máy tính nhiều hơn rất nhiều so với các khoản đầu
tư của chúng tôi vào bất kỳ dự án kinh doanh nào trước đây”, kể cả tivi
màu, ông Sarnoff nói rằng mục tiêu đầu tư là để phát triển một vị thế lợi
nhuận bền vững vào đầu thập niên 1970.
Tinh thần “làm được” ra đi
Chưa đầy một năm sau đó, tai họa ập đến. Bài báo đăng trên tờ Business
Week số ra ngày 25 tháng 9 năm 1971 chạy dòng tít: “Thảm họa 250 triệu
đô la rơi xuống RCA”.
Quả là một số tiền lớn. Có người đã tính rằng nếu bạn đem số tiền đó
quy đổi thành những tờ bạc giấy mệnh giá 100 đô-la rồi chất chúng lên vỉa
hè trong Trung tâm Rockefeller, đống tiền này sẽ cao vượt cửa sổ phòng
làm việc của Sarnoff ở tầng 53 của Tòa nhà RCA.
Lúc bấy giờ, ngành máy tính đang rơi vào thời kỳ khó khăn. Vào tháng 5
năm 1970, sau nhiều năm kinh doanh máy tính không hiệu quả, General