“Tuyệt thật,” Bush reo lên, “Thế giá một ổ bánh mì là bao nhiêu?”
“Khoảng 240 yên.” - Tổng thống Quayle gãi đầu đầy lo lắng và nói.
Dù bạn có tin hay không thì đây cũng là một câu chuyện làm ta cười vỡ
bụng. Một phần câu chuyện bắt nguồn từ khả năng Dan Quayle trúng cử
vào Nhà Trắng, nhưng chủ yếu nó là phương tiện phát tán nỗi lo sợ về quan
niệm đang dần lan rộng cho rằng Nhật Bản sẽ thống trị nền kinh tế thế giới.
Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy. Hiện nay, Nhật Bản đang tiếp
tục phải đối mặt với tình trạng đình đốn kinh tế kéo dài hơn một thập kỷ
trong khi nước Mỹ lại bước vào thời kỳ bành trướng kinh tế kéo dài nhất
trong lịch sử. Chỉ số Nikkei phản ánh giá cả trên thị trường chứng khoán
Nhật Bản hiện nay thấp hơn rất nhiều so với thời điểm thống đốc bang
Maine kể câu chuyện cười đó.
Tại sao tất cả các nền kinh tế dù giàu hay nghèo đều có những diễn biến
thất thường, tăng trưởng, suy thoái và rồi tăng trưởng trở lại? Sự tăng
trưởng mạnh mẽ và lâu dài của nước Mỹ trong thập niên 1990 kết thúc
bằng sự suy giảm kinh tế năm 2001. Trong suốt thời kỳ bùng nổ kinh tế, thị
trường lao động khan hiếm đến mức các cửa hàng đồ ăn nhanh phải đưa ra
chế độ lương thưởng rất hậu hĩnh, sinh viên tốt nghiệp đại học mua những
hợp đồng quyền chọn cổ phiếu trị giá hàng triệu đô-la, và tất cả mọi người
đều kiếm được những khoản lợi nhuận hai con số trên thị trường chứng
khoán. Nhưng rồi có ai đó bị đối thủ đánh bại. Khu vực kinh doanh nhanh
chóng đầy rẫy những câu chuyện ngừng sản xuất, phá sản và giá cổ phiếu
tụt dốc. Tất nhiên, chúng ta thích mọi chuyện diễn ra theo cách đầu tiên
hơn. Nhưng, chuyện gì đã xảy ra?
Để có thể hiểu được chu kỳ suy thoái và phục hồi hay “chu kỳ kinh
doanh” theo cách gọi của các nhà kinh tế học, trước tiên chúng ta cần biết
những công cụ đo lường một nền kinh tế hiện đại. Nếu ngài tổng thống tỉnh