Nếu tôi viết sách kiếm sống và sử dụng thu nhập để mua một chiếc xe
Detroit, thì chẳng có điều gì đáng tranh cãi về giao dịch đó. Nó làm cho tôi
hạnh phúc hơn và khiến công ty sản xuất ô tô trở nên giàu có hơn. Đó là
vấn đề đã được nhắc đến trong Chương 1. Nền kinh tế hiện đại được xây
dựng dựa trên thương mại. Chúng ta trả tiền cho người khác để họ làm ra
những thứ mà chúng ta không thể làm ra, từ chiếc ô tô đến cuộc phẫu thuật
cắt bỏ ruột thừa. Chúng ta cũng trả tiền cho người khác để họ làm tất cả
những thứ chúng ta có thể làm nhưng lựa chọn không làm vì cần thời gian
để làm những việc đem lại lợi ích to lớn hơn. Chúng ta trả tiền cho người
khác để họ pha cà phê, làm bánh sandwich, thay dầu xe, dọn dẹp nhà cửa,
thậm chí là đưa chó đi dạo, v.v... Starbucks, một trong những tấm gương
thành công nhất trong thập kỷ qua, không đi lên từ bất kỳ một thành tựu
công nghệ vĩ đại nào. Bí quyết thành công của nó nằm ở một phát hiện rất
đơn giản: Những người bận rộn sẵn sàng trả vài đô-la cho một cốc cà phê,
hơn là tự pha cho mình một cốc hay uống thứ nước tệ hại đã để ở văn
phòng nhiều giờ.
Cách đơn giản nhất để đánh giá đúng các ích lợi của thương mại là tưởng
tượng ra một cuộc sống thiếu vắng nó. Bạn sẽ thức dậy trong một ngôi nhà
nhỏ và bụi bặm do mình tự xây nên. Bạn sẽ mặc những bộ quần áo tự dệt
sau khi xén lông hai con cừu gặm cỏ ở sân sau nhà. Bạn lấy hạt cà phê khỏi
những bụi cây mọc lởm chởm cằn cỗi ở Minneapolis, và hy vọng sáng nay
con gà của bạn đã đẻ một quả trứng để bạn có thức ăn cho bữa sáng. Điểm
mấu chốt là mức sống của chúng ta cao vì chúng ta có thể tập trung vào
những nhiệm vụ mà mình có khả năng làm tốt nhất và đổi lấy những thứ
khác.
Tại sao loại hình giao dịch lại khác nhau nếu một sản phẩm hay dịch vụ
có nguồn gốc từ Đức hay Ấn Độ? Thực chất, chúng không hề khác nhau.
Chúng ta có các ranh giới chính trị, nhưng kinh tế học không thay đổi mạnh
mẽ như thế. Các cá nhân và công ty giao dịch với nhau bởi vì việc đó mang