lại sự giàu có cho cả hai bên. Điều đó đúng với một công nhân ở nhà máy
của Nike tại Việt Nam, một công nhân ở nhà máy sản xuất ô tô của Detroit
và một người Pháp ăn một chiếc bánh mỳ kẹp thịt của McDonald ở
Bordeaux hay một người Mỹ uống một cốc rượu vang đỏ Burgundy ở
Chicago. Bất cứ thỏa thuận thương mại hợp lý nào đều phải bắt đầu bằng ý
tưởng, những người sống ở Chad hay Togo hay Hàn Quốc không khác gì
tôi và bạn. Họ tạo ra những thứ mà họ hy vọng sẽ khiến cuộc sống tốt đẹp
hơn. Và thương mại chính là một trong những thứ đó. Paul Krugman nhận
định: “Chúng ta có thể khẳng định, toàn cầu hóa không bị điều khiển bởi
lòng nhân ái mà bởi động cơ lợi nhuận. Nó làm lợi cho mọi người hơn bất
kỳ chương trình cứu trợ nước ngoài hay những khoản vay lãi suất thấp do
các chính phủ hay cơ quan quốc tế có thiện chí cung cấp.” Ông còn nói
thêm đầy tiếc nuối: “Nhưng khi nói ra điều này, tôi biết từ chính kinh
nghiệm của bản thân rằng tôi đã tự chuốc lấy những lời chỉ trích.”
Đây chính là bản chất của “toàn cầu hóa,” thuật ngữ thể hiện sự tăng lên,
mở rộng của dòng hàng hóa và dịch vụ quốc tế. Người Mỹ và người dân
của tất cả các quốc gia khác trên hành tinh này ngày càng có xu hướng mua
những hàng hóa và dịch vụ từ một quốc gia khác và bán hàng hóa và dịch
vụ sang nước ngoài. Cuối thập niên 1980, trong chuyến đi thực tế ở châu Á
để viết bài cho một tờ báo hàng ngày ở New Hampshire, tại một nơi rất xa
Bali, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một nhà hàng Kentucky Fried Chicken
và thế là tôi viết ngay một câu chuyện về nó. “Colonel Sanders đã thành
công khi đưa các cửa hàng đồ ăn nhanh đến những khu vực xa xôi nhất thế
giới,” tôi đã viết như vậy. Nếu tôi biết ý tưởng “đồng nhất văn hóa” sẽ trở
thành chủ đề nóng hổi của tình trạng khủng hoảng trong nước một thập kỷ
sau đó, có lẽ tôi đã trở nên giàu có và nổi tiếng với tư cách là một trong
những nhà phê bình đầu tiên về toàn cầu hóa. Tuy nhiên, lúc đó, tôi chỉ
viết: “Trong không khí tương đối yên tĩnh của nơi này, Kentucky Fried
Chicken dường như lạc lõng.”