quân đầu người lại tăng gấp đôi. Nicholas Kristof và Sheryl Wudunn, hai
phóng viên của New York Times tại châu Á đã viết:
Chúng tôi và nhiều phóng viên khác đã viết về vấn đề lao động trẻ em và
môi trường làm việc nghiệt ngã ở cả Trung Quốc và Nam Phi. Nhưng, nhìn
lại, những mối lo lắng của chúng tôi quá thừa thãi. Những nhà máy vắt kiệt
sức lao động này được xây dựng với mục đích tạo ra của cải để giải quyết
những vấn đề mà chúng gây ra. Nếu những người Mỹ phản ứng lại trước
những câu chuyện bóc lột bằng cách hạn chế nhập khẩu sản phẩm của
những nhà máy này, thì cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc sẽ không thể đạt
được nhiều tiến bộ như ngày nay.
Trung Quốc và Nam Á không phải là những ví dụ duy nhất. Văn phòng
Tư vấn AT Kearney đã tiến hành một nghiên cứu về ảnh hưởng của toàn
cầu hóa đối với 34 quốc gia phát triển và đang phát triển. Họ phát hiện ra
rằng trong hai mươi năm qua, những nước có tốc độ toàn cầu hóa nhanh
nhất có tốc độ tăng trưởng cao hơn khoảng 30 đến 50% so với những nước
ít hội nhập với nền kinh tế thế giới. Những nước này cũng được hưởng tự
do về chính trị nhiều hơn và nhận được những kết quả khả quan hơn khi xét
đến Chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc. Theo những tác giả
này, khoảng 1,4 tỷ người đã hoàn toàn thoát khỏi đói nghèo nhờ sự tăng
trưởng kinh tế do toàn cầu hóa đem lại. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn
vào những mặt trái: Mức độ toàn cầu hóa cao hơn kéo theo mức độ bất bình
đẳng trong thu nhập, tham nhũng và sự suy thoái môi trường cao hơn. Vấn
đề này sẽ được thảo luận kỹ hơn trong phần sau.
Nhưng chúng ta có thể nâng cao hiệu quả của toàn cầu hóa theo một cách
khác. Nếu không phải là hội nhập thương mại và kinh tế sâu hơn, thì đó sẽ
là gì? Những người phản đối thương mại toàn cầu cần phải trả lời một câu
hỏi, dựa theo quan điểm do nhà kinh tế học Jeffrey Sachs của Đại học
Harvard đưa ra: Có đất nước nào có thể phát triển thành công mà không
tiến hành thương mại hay hội nhập nền kinh tế toàn cầu không?