các khoản nợ), lạm phát (làm giảm giá trị các khoản nợ), hay thậm chí là vỡ
nợ (không có khả năng trả nợ).
Tất cả những vấn đề này sẽ xảy ra nếu chính phủ vay quá nhiều từ nước
ngoài để bù đắp cho chi tiêu hoang phí. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài mất
niềm tin và quyết định thu hồi lại tiền, thì nguồn vốn đang dùng để bù đắp
cho thâm hụt sẽ cạn kiệt và chính phủ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, điều
mà chúng ta đã được chứng kiến ở rất nhiều nước trên thế giới.
Trong Chương 10, chúng ta đã tìm hiểu những mối nguy hiểm khi các
hoạt động tiền tệ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ. Việc này vẫn
luôn xảy ra. Argentina là một ví dụ điển hình về chính sách tiền tệ vô trách
nhiệm. Từ năm 1960 đến năm 1994, tỷ lệ lạm phát trung bình của
Argentina là 127% một năm. Nói cách khác, một nhà đầu tư Argentina có
khoảng 1 tỷ đô-la tiền tiết kiệm năm 1960 và giữ tất cả số tiền đó bằng
đồng peso cho đến năm 1994 sẽ chỉ còn lại 1/13 số tiền đó. William
Easterly đã nói: “Cố gắng để có mức tăng trưởng bình thường trong suốt
thời kỳ lạm phát cao cũng giống như cố gắng giành chiến thắng trong cuộc
chạy nước rút chỉ bằng một chân.”
Tỷ giá hối đoái. Các nước đang phát triển rối tung còn vì một nguyên
nhân khác nữa. Khi các nước trao đổi với nhau, các đồng tiền phải được
trao đổi ở một tỷ lệ nhất định. Nếu một đồng đô-la Mỹ chỉ là một tờ giấy,
và một đồng yên Nhật cũng chỉ là một tờ giấy, thì phải cần bao nhiêu tờ
giấy của Nhật mới đổi một tờ giấy của Mỹ? Trong thời kỳ bản vị vàng, việc
này tương đối đơn giản. Các nước gắn giá trị đồng tiền của mình bằng một
lượng vàng nhất định và vì thế, tạo ra mối quan hệ giữa các đồng tiền với
nhau. Nhưng giờ đây chế độ bản vị vàng đã là quá khứ và vấn đề về tỷ giá
hối đoái đã trở nên phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một
khởi điểm tốt: Một yên Nhật có giá trị bởi vì nó có thể được sử dụng để
mua hàng hóa; một đô-la có giá trị cũng bởi lý do tương tự. Vì vậy, trên lý
thuyết, chúng ta sẵn lòng đổi 1 đô-la lấy một số yên Nhật tương đương để