tới cùng lối sống và quan điểm của mình dù điều đó đồng nghĩa với mức
thuế cao hơn, hàng hóa đắt đỏ hơn và kinh tế phát triển chậm hơn. Đối với
một nhà kinh tế học và đối với Lewis, cuộc sống là tối đa hóa lợi ích chứ
không phải tối đa hóa thu nhập. Đôi khi, lợi ích có thể là việc bảo tồn một
lùm cây ô-liu hoặc một ruộng nho chỉ bởi vì việc ngắm nhìn chúng mang
lại cho chúng ta cảm giác dễ chịu. Khi trở nên giàu có hơn, chúng ta thường
sẵn sàng đặt vẻ đẹp thẩm mỹ lên trên túi tiền.
Quan điểm này dẫn chúng ta đến một loạt các suy tính cẩn trọng. Đầu
tiên, chúng ta cần làm rõ tất cả những chi phí khi đi ngược lại với thị
trường. Thứ hai, chúng ta cần để tâm đến những chi phí ảnh hưởng nhiều
nhất đến những người hưởng lợi nhiều nhất. Cuối cùng và quan trọng nhất,
chúng ta nên đảm bảo rằng một nhóm người (ví dụ, những người nghĩ rằng
các khu hàng quán là xấu xí bẩn thỉu) không dùng đến chính trị và các quy
tắc để áp đặt định nghĩa về thẩm mỹ lên nhóm khác (nhóm những người sở
hữu các hàng quán nhỏ và những người thích đi mua sắm các mặt hàng giá
rẻ và tiện lợi ở đó). Và như thế, sẽ chẳng ai và chẳng có điều gì có thể ngăn
cấm chúng ta mơ ước về một thế giới không có hàng quán nhỏ.
Chính phủ liên bang có đặt ra quy định về hàm lượng thịt trong một
chiếc pizza lạnh? Bộ Nông nghiệp Mỹ hiện tại đang ra quy định mỗi chiếc
pizza lạnh phải có ít nhất 10% thịt. Điều này có nghĩa là xấp xỉ 20 miếng
thịt trên một chiếc bánh pizza nhỏ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đang xem
xét đến việc cắt giảm 40% lượng thịt (tương đương với khoảng tám miếng
thịt trên một chiếc bánh). Quy định này thật ngớ ngẩn, nhưng câu hỏi đặt ra
không chỉ đơn thuần liên quan đến bánh pizza lạnh, mà chủ yếu nhắm vào
vấn đề chính phủ nên và không nên làm làm gì. Kinh tế học có thể giúp
chúng ta vượt qua cuộc tranh cãi không có hồi kết giữa “chính phủ cồng
kềnh” hay “chính phủ nhỏ gọn”. Chính phủ có vô số việc phải làm và
không nhất thiết phải để ý đến thành phần dinh dưỡng trong một chiếc bánh
pizza lạnh. Thế giới đang phát triển ngày càng phức tạp và phụ thuộc lẫn
nhau; các quy định mà chúng ta đặt ra cũng phải bắt kịp tốc độ thời đại.