cho mỗi chiếc sừng tê giác càng tăng và điều này càng khuyến khích những
tay săn trộm lùng bắt những con còn sót lại. Vòng xoáy nguy hiểm đó còn
trở nên tồi tệ hơn bởi một yếu tố xuất hiện khá phổ biến trong các vấn đề
môi trường: Tê giác đen là tài sản chung chứ không phải là tài sản cá nhân.
Điều này nghe có vẻ tuyệt vời. Nhưng trên thực tế, nó gây ra nhiều rắc rối
hơn là giải quyết chúng. Hãy tưởng tượng rằng tất cả tê giác đen đều nằm
trong tay của một chủ trại nuôi gia súc hám lợi. Tay nuôi gia súc này không
hề quan tâm đến vấn đề môi trường. Thực ra, hắn kém cỏi và ích kỷ đến
mức tất cả những gì hắn làm chỉ là vì lợi ích bản thân. Có phải bản chất tàn
ác này trong con người một tay nuôi tê giác sẽ khiến đàn tê giác của hắn
giảm từ 65 nghìn con xuống còn 2.500 con trong 30 năm không? Không
bao giờ. Hắn sẽ chăn nuôi và bảo vệ loài động vật này để luôn có đủ số
sừng cho thị trường. Việc làm này không liên quan gì đến chủ nghĩa bác ái,
nó chỉ là những gì người ta làm để tối đa hóa giá trị một nguồn hàng khan
hiếm.
Mặt khác, những nguồn tài sản chung thường đi kèm với một vài vấn đề
khác thường. Thứ nhất, những người dân sống ở khu vực gần nơi ở của các
loài động vật hoang dã thường không được lợi lộc gì khi sống quanh đó.
Ngược lại, những loài động vật to lớn như tê giác và voi có thể gây nguy
hiểm nghiêm trọng đến mùa màng. Hãy đặt bạn vào hoàn cảnh của những
người dân địa phương, hãy tưởng tượng rằng người dân châu Phi đột nhiên
quan tâm đến tương lai của loài chuột nâu Bắc Mỹ và giải pháp mang tính
quyết định trong chiến lược bảo tồn này là nuôi các động vật này. Hãy
tưởng tượng thêm rằng một tay săn trộm đi theo bạn và đề nghị đưa tiền
nếu bạn chỉ cho hắn nơi có ổ chuột. Có hàng triệu người trên khắp thế giới
được hưởng lợi từ việc bảo vệ các loài động vật hoang dã như tê giác đen.
Nhưng điều này có thể là một phần của vấn đề: Chúng ta dễ dàng có tư
tưởng “sài đồ chùa” và để cho ai đó hoặc tổ chức nào đó gánh vác trách
nhiệm. Hãy thử xem năm trước, bạn đã dành bao nhiêu thời gian và đóng
góp bao nhiêu tiền để bảo tồn các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt
chủng?