Người đầu tiên là người nghèo nhất trong ba người. Nếu cải thiện mức
sống là mục tiêu chính của bạn, thì có lẽ anh ta là người xứng đáng nhận
công việc này. Người thứ hai không phải là người nghèo nhất nhưng anh ta
là người bất hạnh nhất. Anh ta mới rơi vào tình trạng khốn đốn trong thời
gian gần đây và không quen túng thiếu. Công việc này sẽ đem lại niềm
hạnh phúc lớn nhất cho anh ta vào lúc này.
Người thứ ba không phải là người nghèo nhất và cũng không phải là
người kém hạnh phúc nhất. Nhưng anh ta có vấn đề nghiêm trọng về sức
khoẻ. Bệnh tình của anh ta chỉ có thể được chữa khỏi nếu anh ta nhận được
công việc này và có lương.
Bạn nên trao công việc này cho ai? Sen đã đưa ra rất nhiều kiến giải thú
vị liên quan đến tình thế khó xử này. Nhưng điểm mấu chốt là không có
một câu trả lời chính xác. Điều này cũng đúng với những vấn đề liên quan
đến việc phân phối của cải trong nền kinh tế hiện đại. Nó đối lập với những
tuyên bố của hai phe chính trị đối lập. Tăng tiền thuế để cải thiện mạng lưới
an sinh tốt hơn cho những người nghèo nhưng lại làm giảm tăng trưởng
kinh tế nói chung có phải là giải pháp đúng đắn không? Đó là một câu hỏi
hiện vẫn gây rất nhiều tranh cãi. Các chính phủ trên thế giới đều có một hội
đồng cố vấn kinh tế, hỗ trợ giải quyết những tình thế tiến thoái lưỡng nan
kiểu này. Tuy nhiên, các chuyên gia cố vấn này thường quên mất thực tế là
chiếc bánh đang ngày càng to hơn ra, vì vậy, dù bị chia không đều, nhưng
những miếng bánh nhỏ cũng đã biến thành lớn. Các nước đang phát triển
cần tăng trưởng kinh tế (mà phần nhiều nhờ vào thương mại quốc tế) để cải
thiện cuộc sống của người nghèo. Chấm hết. Có một thực tế tồn tại từ bấy
lâu nay là các chính sách của chính phủ tuy bề ngoài là phục vụ người
nghèo, nhưng lại có thể vô tình gây ra những hậu quả tiêu cực, hoặc thậm
chí là phản tác dụng.