khuếch trương thương cảng, Chúa Nguyễn cho người Nhật và người Hoa
chọn địa điểm thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc mua bán. Trong
Hải ngoại ký sự của nhà sư Trung Quốc, Thích Đại Sán, người đã từng đến
Hội An năm 1696, để từ đây về Quảng Đông (Trung Hoa), cho biết rằng:
“Hội An là một nơi mã đầu lớn, nơi tập hợp thương khách các nước; thẳng
ra bờ sông một con đường dài ba, bốn dặm, gọi là Đại đường Nhai. Hai bên
đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ nhà thảy đều là người Phúc Kiến,
vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh)”. Trước thời kỳ này, người phương
Tây buôn bán tại đây còn gọi Hội An là “đô thị Nhật Bản”.
Người Nhật - người Hoa ở Hội An
Trong lịch sử, thương cảng Hội An phát triển cực thịnh trong những năm
cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, khi trung tâm buôn bán đã phát triển với
sự khẳng định của hai thành phần thương nhân Nhật và Hoa. Được sự biệt
đãi của Chúa Nguyễn, họ đã lập hai phố riêng để buôn bán và sinh sống theo
phong tục, tập quán của từng dân tộc. Trong thời kỳ này, Đà Nẵng đóng vai
trò là tiền cảng cho Hội An, chuyên đón các loại tàu buôn từ Nhật Bản,
Trung Hoa đến Hội An mua bán qua đường sông Cổ Cò, đi từ Cửa Hàn (Đà
Nẵng), qua thắng cảnh Non Nước vào Hội An. Con đường này bảo đảm rút
ngắn 1/3 hải trình nếu đi từ Cửa Đại (Hội An) vào.
Từ cuối thế kỷ XVIII, sông Cổ Cò bắt đầu bị cát lấn, Cửa Đại cũng bị lấp
cạn dần, không còn phù hợp cho những chuyến tàu hàng lớn chạy bằng máy
móc, cho nên khoảng năm 1905, khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của
người Pháp, Hội An mất cả ưu thế tự nhiên lẫn chính sách của Nhà nước.
Thương khách, hàng hóa đổ dồn về Đà Nẵng và Hội An dần bị quên lãng,
trở thành một đô thị vệ tinh thương nghiệp cho Đà Nẵng.
Tuy vậy trong thời kỳ này, người Pháp cũng đã cho xây dựng một con
đường sắt rộng 0,7 mét, dài 30 km, để vận chuyển hàng hóa từ Đà Nẵng vào