Anh vội vàng chải áo và đi xuống, vì đã muộn giờ. Một ông trợ giáo mắng
cho anh một trận nên thân. Không tìm cách để tự thanh minh gì cả, Julien
chỉ khoanh tay trước ngục:
— Peccavi, pater optime [166] (con là người có tội, con xin thú nhận lỗi
lầm, thưa cha) , anh nói với một vẻ ăn năn.
Bước đầu như vậy được hoan nghênh vô cùng. Những kẻ khôn khéo trong
bọn sinh đồ thấy rằng đây là một con người không phải còn bỡ ngỡ trong
nghề. Đến giờ ra chơi, Julien thấy mình được tất cả mọi người tò mò để ý.
Nhưng người ta chỉ thấy ở anh một thái độ dè dặt và im lặng. Theo những
phương châm của anh tự đề ra cho mình, anh coi tất cả ba trăm hai mươi
mốt bạn đồng học như những kẻ thù, kẻ thù nguy hiểm nhất đối với anh là
cha Pirard.
Ít ngày sau, Julien phải lựa chọn một cha nghe tội, người ta đưa anh xem
một danh sách.
Chà! Lạy Chúa! Người ta cho ta là người như thế nào, anh nghĩ bụng,
người ta tưởng rằng ta không hiểu ý tứ hay sao? Và anh chọn cha Pirard.
Anh không ngờ đâu rằng hành vi đó có tác dụng quyết định. Một anh sinh
đồ còn nhỏ tuổi, sinh trưởng ở Verrières, và, ngay từ hôm đầu, đã tự tuyên
bố làm bạn với anh, cho anh biết rằng ví thử anh chọn ông Castanède, phó
giám đốc chủng viện, thì có lẽ khôn ngoan hơn.
— Cha Castanède là thù địch với ông Pirard mà người ta ngỡ là có khuynh
hướng theo phái Janséniste, cậu sinh đồ bé con ghé vào tai anh mà nói.
Tất cả những hành vi đầu tiên của anh chàng cứ tưởng mình là hết sức cẩn
trọng, thì lại là những việc hớ hênh, như việc chọn người nghe tội. Bị lầm
lạc bởi cái tính vô cùng tự đắc của một người có trí tưởng tượng mơ mộng,
anh lấy những ý định của anh làm những sự thực đã có, và tự cho mình là