tay, Juan Primito lại đem đi mua cho đứa con gái của mắt lão những thứ lòe
loẹt trong số hàng hóa rẻ tiền mà những người hàng xóm mang đến trại để
bán. Và sau khi Lorenzo Barquero bị đuổi khỏi nhà, phải ra ở túp lều trong
khu đồi cọ, đắm mình hoàn toàn trong những cơn say sưa bí tỉ, nếu Marisela
không bị đói trong những ngày đó là do lão hàng ngày mang đến cho nó
những thức ăn thừa của những người phu làm mướn trong trại Miedo.
— Tôi mang thức ăn đến cho cô đây, đồng tử của mắt tôi – Lão nói với
một nụ cười ngớ ngẩn chứa chất biết bao nhiêu cay đắng, và đưa cho con bé
cái bị nhỏ đầy căng.
Sau đó là hàng tràng những lời nói tục tĩu bậy bạ mà lão văng ra trong
câu chuyện vội vã, và những tiếng cười rộn rã tán thưởng của con bé
Marisela. Lão lấy làm thích thú khi nghe những tiếng cười ròn rã đó. Con bé
cũng thấy vui khi nghe lão nói những lời tục tĩu đó. Trong thâm tâm những
con người khốn khổ ấy, có tình thương xót yêu mến lẫn nhau, đó là ánh sáng
của cuộc sống đơn giản.
Santos Luzardo đã tước mất của lão niềm vui thích đó, khi anh đưa
Marisela về trại Altamira. Lão có thể hàng ngày đến tận đấy thăm cô bé, bởi
vì đối với lão không có đường nào là xa cả. Nhưng vì những người phu ở
trại Miedo cứ chế giễu lão một cách sống sượng:
— Người ta đã cướp mất người yêu của lão rồi, lão Juan Primito ạ!
Điều đó làm cho lão nổi khùng, như khuấy đục một vũng nước tù.
Cơn tức giận điên khùng đã qua đi, nhưng từ đó lão không nhắc đến tên
Marisela nữa, và mỗi khi người ta hỏi lão về cô bé thì lão trả lời:
— Ôi! Anh không biết là nó đã chết rồi à? Đứa con gái ở trại Altamira
là người khác đấy.
Tuy vậy, buổi chiều hôm đó, đôi chân “vạn dặm” của lão lại càng bước
nhanh hơn, để lão sớm được nhìn cô bé.
Quả thật thế, người chạy ra đón lão hình như là một người khác hẳn
Marisela ngày xưa.