với phụ nữ, vừa nồng nàn, vừa thô kệch. Đối với chính mình vừa đa cảm
vừa mực thước. Trong khi trò chuyện, người thảo nguyên vừa dí dỏm vừa
ngây thơ, vừa đa nghi, vừa mê tín. Trong mọi trường hợp, vừa vui vẻ vừa
buồn rầu, vừa thiết thực vừa hão huyền. Người thảo nguyên khiêm tốn khi đi
bộ, và hiên ngang khi ngồi trên mình ngựa. Tất cả những tính chất ấy tồn tại
cùng một lúc, không gây khó khăn cản trở lẫn nhau, giống như một tâm hồn
mới mẻ có cả cái hay và cái dở.
Những tính chất đó đã được phản ánh trong các bài hát mà người thảo
nguyên thể hiện sự vui vẻ kiêu hãnh của người Andaluz, thuyết định mệnh
đáng cười của người da đen bị chinh phục, tinh thần quật khởi bi thảm của
thổ dân da đỏ. Tất cả những nét đặc trưng ấy hình thành tính cách của người
thảo nguyên. Những gì chưa rõ ràng trong các khúc hát, thì những câu
chuyện lại nhắc nhở Santos, những câu chuyện mà anh nghe được trong khi
cùng với những người phu làm các công việc nặng nhọc, hoặc trong những
ngày nghỉ ngơi ồn ào anh sống chung với họ.
Từ tất cả những điều đó, bằng tất cả sức mạnh tinh thần, mở ra trước
quyền lực, cảnh đẹp và nỗi đau khổ của thảo nguyên, anh muốn yêu nó với
tất cả vẻ tự nhiên của nó: hung dữ nhưng xinh đẹp. Anh muốn trao cả cuộc
sống của mình cho nó, để cho nó nhào nặn mình. Anh muốn từ bỏ thái độ
cảnh giác, luôn luôn chống lại sự thích nghỉ với cuộc sống đơn giản thô lậu
của người chăn bò.
Ai dạy được một con ngựa, ai quăng thừng bắt được một con bò thì đã
là người thảo nguyên rồi. Vả lại thảo nguyên chỉ thu nhận lại Santos mà
thôi. Antonio Sandoval chả đã nói với anh đó sao: “Đã là người thảo nguyên
thì năm đời vẫn là người thảo nguyên.” Nhưng cũng có cái gì đó hơn thế, cái
gì đó mà anh chưa hề nghĩ đến, nhưng nó lại ở đó, ở trong đáy của tâm hồn,
làm thay đổi hẳn tình cảm của con người thành thị, và đẩy lùi những cản trở:
Marisela, Marisela, tiếng hát của cây đàn ác-pa thảo nguyên, một tâm hồn
thơ ngây và bạo dạn, hoang dại như bóng hoa pa-ra-goa-tan tỏa hương thơm
ngào ngạt cả khu rừng, và tẩm hương thơm vào mật ong.