nhiêu luật sư, và đã làm cho cả hai gia đình phá sản. Khi người ta khuyên họ
nên nhân nhượng nhau, đừng khăng khăng cố chấp tranh giành một miếng
đất không sinh lợi mà tổn phí bao nhiêu tiền của thì họ đều nổi giận, và nói:
“Được cả hoặc mất cả.”
Nhưng vì không thể làm cho cả hai bên đều vừa ý, họ đành phải thỏa
thuận là miếng đất ấy không thuộc về ai, và mỗi bên làm một hàng rào bao
quanh khu đồi cọ, để đồi cọ này trở thành “miếng đất vô chủ, khu vực cấm
đối với cả đôi bên”.
Nhưng sự việc không dừng ở đấy. Giữa khu đồi cọ có một cái đầm của
một khe lạch cạn, về mùa mưa nó biến thành một bãi lầy thụt dìm chết
những sinh vật đi qua. Một hôm thấy một con bò của trại Barquereña sa lầy
chết ở đó, José Luzardo phản đối anh rể đã xâm phạm khu vực cấm. Hai
người cãi nhau, Sebastián tức giận vung gậy sồi đánh vào mặt em vợ. José
liền rút súng ra bắn; viên đạn xuyên thủng trán, Sebastián ngã xuống ngựa.
Từ đó thường xảy ra những cuộc báo thù, tàn sát lẫn nhau giữa những người
trong hai gia đình của hai dòng họ Luzardo và Barquero…
Trong mỗi gia đình, cũng có những bi kịch riêng.
Khi xảy ra cuộc chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Mỹ, ông José
Luzardo trung thành với dòng máu của mình, nên có cảm tình với mẫu quốc
Tây Ban Nha, trong khi người con trai cả là Félix cho rằng thời buổi đã đổi
thay, và ủng hộ Mỹ. Báo chí từ Caracas gửi về hàng tháng, người con trai
đọc cho cả bố cùng nghe, vì mắt ông José đã kém. Ngay từ những tin tức
đầu tiên, hai bố con đã tranh cãi gay gắt om xòm. Cuộc cãi lộn kết thúc bằng
những lời nóng nảy bực tức của ông già:
— Chỉ có đứa ngu ngốc mới tin rằng bọn lái buôn xúc xích ở Chicago
sẽ thắng chúng ta, trong cuộc chiến tranh này.
Anh con trai tái mặt, lắp bắp vặc lại:
— Bọn Tây Ban Nha có thể thắng đấy, nhưng tôi không thể bỏ qua
được việc bố đã vô cớ chửi tôi đâu.